Anh bạn cựu chiến binh Nguyễn Duyên Thuyết bảo: Rằm này, mời các anh chị về dự một buổi sinh hoạt văn hóa làng tôi. Làng tôi là làng Tử Dương (tên tục là làng Tía), xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội.
Men đường đê, 5 anh em chúng tôi vào làng. Một làng quê rất đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. Trừ con đường rải bê-tông đè lên đường lát nghiêng gạch chỉ và những mái nhà bê-tông là biểu hiện của đô thị hóa, thì làng Tử Dương còn rất nhiều di sản đồng quê: Giếng làng, ao làng, đình làng, chùa làng và vẫn còn nhiều nhà mái ngói mũi hài nữa. Chưa kể hai di sản rất riêng của Tía mà dân làng rất tự hào, đó là hát Chèo và rượu tăm. Một di sản đặc biệt nữa mà tôi cảm nhận được thông qua CLB thơ nhạc Đồng Quê, đó là cái tình quê của người làng Tía.
Trời mưa to. Các thi huynh của Đồng Quê mang ô ra tận cổng đón khách làm chúng tôi cảm động. Cảm động hơn nữa là sự mến khách thể hiện trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt và những câu thơ, điệu hát của các thi huynh, thi hữu trong CLB thơ nhạc Đồng Quê. Chúng tôi cảm thấy như đang về với những tri kỉ tri âm vui cùng thơ phú, như trong bài thơ mà nghệ sĩ chèo Kim Liên thể hiện: “Chào mừng câu lạc bộ ta/ Kính chào quý khách gần xa ân tình/ Hồn thơ tỏa sáng tâm linh/ Tiếng thơ tiếng của quê mình vang xa/ Vườn xuân rực rỡ sắc hoa/ Quê hương văn hóa thiết tha mặn nồng”.
Các thi huynh, thi hữu trong CLB thơ nhạc Đồng Quê trong hơn 10 năm qua đã ra được 7 ấn phẩm thơ, đĩa CD thơ, đĩa VCD thơ nhạc… Thi hữu Đào Tiến ra được 4 tập thơ, có nhiều bài hát được phổ biến; nhà thơ Đào Minh thì có cả tuyển 1.200 bài thơ mới ra mắt. Dịp kỉ niệm 10 năm thành lập CLB (năm 2011) và buổi giao lưu thơ nhạc năm 2012 để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bè bạn thơ nhạc gần xa.
Hội viên toàn là những người cao niên, nhưng vẫn không ngừng sáng tác và biểu diễn thơ. Họ đến với CLB Đồng Quê để chia sẻ lòng mình qua những bài thơ mới viết, cho dù với họ, những nhà thơ nông dân, thì việc “cày” trên trang giấy để viết ra những câu thơ còn khó hơn rất nhiều so với việc cày trên đồng ruộng quê mình. Càng ngạc nhiên hơn, trong buổi hội ngộ còn có cụ Đỗ Tất Lẫm đã 92 tuổi vẫn say thơ, mê mải làm thơ.
Hai cháu thiếu nhi Nguyễn Vân Phương Thùy và Đỗ Thị Thu Hiền gây bất ngờ khi đọc bài thơ của mình: “Anh Thư lên 6/ Thôi học mầm non/ Đôi bàn tay son/ Muốn quyển sách mới/ Mùa Hè nắng chói/ Người lớn dựng trường/ Mái ngói tươi hồng/ Đợi mùa Thu biếc/ Anh Thư náo nức/ Khấp khởi tới trường/ Ba mẹ tiễn chân/ Cả nhà vui bước/ Con đường phía trước/ Quanh co, quanh co…”. Ôi, thi muội của tôi, thật là đáng yêu quá đỗi! Có những người tiếp nối như các em thì sức sống của Đồng Quê sẽ còn thịnh.
Thay mặt 5 anh em trong vai trò “khách đến chơi nhà”, được các thi huynh, thi hữu rót lời thơ nhạc làm chén trà mời nhau, các anh Trần Bá Giao và Hà Huy Thắng đều đã “tức cảnh sinh tình” có mấy câu thơ đáp từ trong giờ phút chia tay nhau để rồi hẹn gặp lại: “Bạn già bạn vẫn yêu thơ/ Thơ tình tinh tuyển mong chờ từ lâu/ Tình yêu vốn lắm sắc màu/ Đã đem chưng cất làm giàu hồn thơ…”; “Gặp rồi, mến biết bao nhiêu/ Phải chia tay, đó là điều không mong/ Tình xin giữ lại trong lòng/ Yêu, xin hẹn gặp lại trong thơ đời”.
Nhất định chúng tôi sẽ trở lại với Đồng Quê yên ả thấm đẫm tình người, sau những ngày bươn chải, vật vã và bị cuốn đi ở phố thị, sôi trào, ồn ã.