Dân Việt

Chuyện về những lão nông biết làm giàu nổi danh xứ dừa

Trương Thanh Liêm 27/03/2014 06:48 GMT+7
Bằng nhiều cách làm khác nhau, những lão nông ở xứ dừa Bến Tre không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp nông dân trong vùng chuyển giao giống, kỹ thuật để cùng vươn lên làm giàu.
img
Những lão nông này đều rất đặc biệt, họ đã biết tận dụng lợi thế trên chính mảnh đất quê hương mình để làm giàu.

Biến vườn ca cao thành điểm du lịch

Đến xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (Bến Tre), hỏi thăm chuyện làm giàu của lão nông Nguyễn Công Thành không ai không biết. Biết vì ông từng được mệnh danh là “vua ca cao” của 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Ông là người đã chọn cho mình hướng kinh doanh du lịch miệt vườn sinh thái khép kín đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với các loại hình vui chơi, tham quan giải trí mới lạ. Ông còn là người đầu tiên của Bến Tre đem giống sầu riêng Thái Lan, ổi không hạt về phổ biến cho nông dân tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Công (trái) và ông Nguyễn Công Thành đã biết tận dụng lợi thế trên chính mảnh đất quê hương mình để làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Công (trái) và ông Nguyễn Công Thành đã biết tận dụng lợi thế trên chính mảnh đất quê hương mình để làm giàu.

Xem thêm: >> TP.HCM: Dân chi tiền tỉ, sắm công nghệ "khủng" để... làm nông

Ông Thành kể lại: “Tôi nghiên cứu sâu về quá trình ươm cây giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ca cao, vừa cho sản lượng nhiều, chất lượng thơm ngon, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, dễ tiêu thụ trên thương trường”.

Sau những đợt tập huấn do các tổ chức trồng trọt thế giới tổ chức, ông bắt tay vào việc trồng thử nghiệm, ươm giống cây ca cao. Mỗi năm ông tiêu thụ trên 700.000 cây giống loại TĐ1 và TĐ13, phủ kín trên địa bàn 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Cơ sở sản xuất của ông liên tục nhận được nhiều hợp đồng đặt hàng do cây giống chất lượng cao.

Từ cây giống của ông, sau khoảng 18 tháng, đã cho trái chín giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững. Mới đây, sau nhiều lần nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu những đặc tính bổ ích từ trái ca cao, ông Thành mạnh dạn chế biến nước ép ca cao nguyên chủng có chất lượng thơm, ngon. Không những thế, ông Thành còn tận dụng hạt ca cao để xay nhuyễn làm bột ca cao rất thơm ngon…

Chưa dừng lại ở đây, tận dụng địa hình thuận lợi, sông nước hiền hòa, ông đã biến 20 công vườn nhà trở thành Khu du lịch sinh thái dã ngoại Đại Lộ, với những vườn ca cao thơm ngon, không phun thuốc trừ sâu. Tại đây, du khách có thể đi chơi trên sông bằng du thuyền, tha hồ ngắm cảnh sông nước hay bơi xuồng len lỏi dưới những tán cây ca cao, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt hoặc tham quan vườn thú với những cá sấu, khỉ, nhím…

Mới đây ông đã được địa phương hỗ trợ kinh phí trên 200 triệu đồng để phát triển khu du lịch, xây dựng một số thiết chế văn hóa để tiến đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới tại địa phương. Giá cả hợp lý, món ăn độc đáo, cung cách phục vụ chu đáo, ân cần, đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ, trang bị đầy đủ những tiện nghi... ông Nguyễn Công Thành đã bước đầu khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường du lịch.

Nghệ nhân chế kiểng thú

Xem thêm:>> Nghề cắt lá... ra tiền và những nhát kéo tiền triệu

Đến ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách (Bến Tre), hỏi về nghệ nhân “Năm Công” (Nguyễn Văn Công), người đã từng xuất khẩu thành công loại kiểng thú sang các nước châu Á, chúng tôi được người dân chỉ đến tận nhà. Dù năm nay đã bước sang tuổi 67, nhưng ông Năm Công vẫn rất mê làm giàu bằng nghề trồng kiểng.

Tâm sự với chúng tôi, ông Công kể: “Ban đầu, ông chọn loại Mai Chấn Thủy để làm kiểng thú vì màu sắc đẹp nhưng tuổi thọ không cao. Sau nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu ông đã chọn loại cây si (còn gọi là cây gừa tàu) vì đáp ứng được các yếu tố như đẹp, bền, dễ uốn dẻo. Với kinh nghiệm 38 năm làm nghề kiểng cổ, kiểng hình rồi kiểng thú ông đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm độc đáo có thể xem là lạ nhất đồng bằng sông Cửu Long như: Nhà miền Tây, hồ lô, nhà lục giác, bát giác, bình bông…

Hiện mỗi năm, ông Năm Công xuất sang các nước từ 600 - 700 kiểng thú có kích thước và trọng lượng rất lớn. Ông là người chế tác thành công 3 chiếc bình cổ lớn nhất miền Tây với độ cao 6,5m, 5m và 3m theo đơn đặt hàng của tỉnh Bạc Liêu và hàng chục cây đàn kìm bằng cây si cho tỉnh để chào mừng cho ngày hội Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu năm 2014.

Không chỉ vậy, ông còn hoàn thành nhiều đơn đặt hàng khá hoành tráng để xuất khẩu theo đơn hàng sang Singapore như hình tượng con bù xè, tinh tinh, máy bay, xe ngựa… Đặc biệt là kiểng thú hình con sóc có đường kính 2,5m, dài 8m. Năm 2011, ông vinh dự được mời ra Hà Nội để quảng bá tác phẩm kiểng thú đôi rồng mỗi con dài 18m, nhà lục giác và một số tác phẩm khác được người dự khán đánh giá rất cao sự công phu, sáng tạo, tinh xảo, độc đáo.

Ông cũng đã tham gia nhiều cuộc hội thảo về nguồn gốc loại hình nghệ thuật dân gian kiểng cổ, kiểng hình, kiểng thú, kiểng bon sai. Ông Công cho biết: “Loại kiểng thú là vốn quý của dân tộc, cần ra sức gìn giữ và phát huy vì tính nghệ thuật rất cao, độc đáo, hiếm hoi”.

Sản phẩm của ông hiện nay xuất khẩu chủ yếu sang Singapore và Úc… Ông Công cho biết: “Muốn xuất khẩu phải tháo rời khung sắt bên trong, chuyển vào conteiner để đưa xuống tàu xuất sang các nước, sau đó thợ của ông sang tận bên mua để lắp ghép trở lại hình dạng ban đầu. Hiện tại phía người chơi kiểng của Úc đã đặt sườn mang về bản xứ, sau đó tự trồng cây vào bên trong các tượng, nên mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng chất lượng kiểng thú rất đảm bảo, thỉnh thoảng họ gọi nhờ ông tư vấn những vấn đề có liên quan”.

Nói về lý do chọn nghề kiểng, Nghệ nhân Năm Công cho biết: “Tôi rất say mê chế tác những loại kiểng thú mang dáng dấp 12 con giáp. Muốn thành công phải nghiên cứu sâu từng chi tiết như đời sống, sinh hoạt, tính cách, dáng đứng, dáng đi, tư thế phải oai phong, biểu trưng cho sức mạnh và sự thành đạt, tác phẩm phải có hồn nghệ thuật ẩn chứa bên trong”.

Nắm bắt nhu cầu ưa chuộng của thượng đế, tết năm con gì thì ông cho ra mắt những kiểng thú mang hình tượng con giáp ấy nên sản phẩm của ông thường cung không đủ cầu. Để có đủ nguồn nguyên liệu, ông đã trồng cây si trên diện tích 25.000m2.

Điều đáng nói ở người nông dân nghệ nhân này là ông không giấu nghề, ngược lại hướng dẫn tận tình rất nhiều người quanh vùng đến học tập, nhiều người đã bắt đầu thạo nghề và mở cơ sở sản xuất kiểng cổ, kiểng hình, kiểng thú. “Cái khó nhất của nghề làm kiểng thú là việc phác thảo, thiết kế bộ khung sắt hình tượng các loài thú sao cho thật giống, bắt mắt, lạ lẫm…”.

Xem thêm:>> Khi người thành phố làm nông, kiếm bạc tỷ trên... sân thượng