Mặc dù sống ở những miền quê khác nhau và sang học tập, lao động ở những thành phố khác nhau của Liên Xô cũ nhưng cộng đồng người Việt đang làm ăn buôn bán tại chợ Troeshina – Kiev, Ucraina sống rất hoà thuận và đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Ở nơi đất khách quê người, ai cũng hiểu và thấm thía câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” có ý nghĩa như thế nào. Do đó mọi người cũng thường xuyên tổ chức, tham gia những hoạt động mang tính gắn kết cộng đồng và nhiệt tâm với những hoạt động hướng về quê hương như ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì bão lụt, những em bé bị tim bẩm sinh, những mảnh đời bất hạnh….
Người Việt luôn gắn bó, đoàn kết làm ăn sinh sống ở nơi xứ xa, hướng về quê hương.
Với những người Việt đã từng phải phiêu bạt nhiều nơi để kiếm kế sinh nhai, những người đã nhiều lần bị mất mát, thăng trầm trong cuộc sống khi tới làm ăn buôn bán tại chợ Troeshina còn được cảm nhận tấm chân tình của cộng đồng dành cho họ.
Cùng là những người đi lao động hợp tác theo hiệp định tại Ucraina nhưng ở các thành phố khác nhau, đã từng có cuộc sống ổn định cùng gia đình trong những năm tháng còn làm ăn thuận lợi, nhưng do lâm vào những hoàn cảnh khó khăn nên gia đình các anh Quang, Tuấn, Bằng và anh Nguyễn Lạc phải mỗi người một ngả.
Những người vợ mang con về Việt Nam nhờ cậy gia đình cùng giúp đỡ để nuôi con ăn học, người lo chữa bệnh hiểm nghèo cho con… Bốn người đàn ông độc thân ở lại cùng thuê chung một căn hộ để sống cho tiết kiệm và có anh, có em lúc tối lửa tắt đèn.
Với cách sống “đói cho sạch, rách cho thơm”, đồng tiền kiếm được phải do sức lao động của mình làm ra nên họ đều được các gia đình neo người nhận vào làm việc. Mặc dù công việc phải bắt đầu từ 6h sáng và luôn về sau cùng nhưng với họ thế cũng là tạm ổn. Cuộc sống của họ gắn liền với khu chợ, vui buồn ... đều nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ và động viên từ những người chủ hàng hay những người Việt bán hàng trong chợ.
Với những người Việt ở chợ Troeshina thì dù trước đây anh đã từng có tiền, có cửa hàng riêng hay bây giờ do khó khăn mất mát phải phụ thuộc công việc vào người khác, anh là người ở đây hay nơi khác chuyển về thì cũng đều được đối xử chân tình và hòa đồng như nhau chẳng có sự khác biệt nào.
Bất ngờ ngày 28.3.2014 vừa qua, anh Lạc qua đời do bạo bệnh. Anh bị bệnh gan giai đoạn cuối nhưng do cố chịu đựng một mình và giấu mọi người cùng phòng, có lẽ do ngại làm phiền mọi người trong lúc khó khăn này nên cũng không ai biết. Buổi sáng mọi người đi trước và do anh bán hàng ở chợ khác nên không biết anh nghỉ ở nhà, chiều mấy anh em về thấy anh có vẻ mệt xúm lại hỏi han, giúp anh trong sinh hoạt, khi thấy anh có dấu hiệu lạ liền gọi cấp cứu nhưng không kịp.
Nhận được tin báo các anh chị em bán hàng tại chợ Troeshina ở gần đã tới ngay căn hộ giúp đỡ anh Lạc tới bệnh viện.
Do anh Lạc không có người thân và gia đình ở Ucraina nên mọi người quyết định thành lập một ban tổ chức tang lễ cho anh Lạc. Mặc dù thời điểm này bà con ở chợ Troeshina đang rất khó khăn do khủng hoảng không buôn bán được nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận” nên khi các anh Núi, Tuấn, Công... đi quyên góp để lo tang lễ cho anh Nguyễn Lạc thì ai cũng ủng hộ, người ít người nhiều từ năm chục, một trăm đến một vài nghìn.
Nhờ vậy tổng số tiền giúp đỡ của mọi người đã được 37.100 Grivna. Tang lễ của anh Nguyễn Lạc đã tổ chức tại nhà tang lễ thành phố Kiev trong sự tiễn đưa của rất đông bà con chợ Troeshina – nơi anh đã có thời gian buôn bán ở đó (có cả những người không biết anh Nguyễn Lạc vẫn đến phúng viếng) cùng bà con ở các khu vực khác và các đại diện hội đoàn tại Kiev.
Ngày 7.4 anh Công, anh Sáu, người đồng hương của anh Nguyễn Lạc đã được ban tổ chức tang lễ ủy nhiệm đưa tro cốt của anh Nguyễn về với gia đình và quê hương mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam – nơi anh Nguyễn Lạc đã sinh ra và lớn lên. Cầu mong anh ra đi được thanh thản với tấm chân tình của cộng đồng người Việt chợ Troeshina – Kiev dành cho anh.
Kiev, 7.4.2014 Mai Anh (từ Ucraina)