Dân Việt

Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

21/05/2013 08:32 GMT+7
(Dân Việt) - Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tạo việc làm...

Sáng 20.5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 của Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định...

GDP khó đạt mục tiêu 5,5%

Theo báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu trong giờ nghỉ chiều 20.5.

Cũng theo báo cáo này, do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, kinh tế trong nước phải thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc giảm mạnh tốc độ tăng tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, cắt giảm đầu tư công… nên đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011 (thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%). Tuy vậy, tính đến quý I/2013, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức 4,79% trong quý I/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%).

Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận là nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế… “Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013, theo đánh giá của Chính phủ là rất khó khăn” - Phó Thủ tướng nói.

Nghiêm trọng hơn năm trước

Trình bày báo cáo thẩm tra,?Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thừa nhận những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị để đạt những kết quả quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, trong đó đáng kể là cải thiện cán cân thương mại một cách rõ rệt, xuất siêu đạt 780 triệu USD, CPI tăng 6,81% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% của năm 2011 và 11,75% năm 2010, các lãi suất chủ chốt đã được điều chỉnh giảm dần...

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế nhận định, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm (2012) chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội (tăng từ 6-6,5%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước nhưng chỉ bằng 28,5% GDP và thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là 33,5%, là năm thấp nhất trong những năm gần đây...

Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất

Trước những tồn tại của nền kinh tế, Chính phủ xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay; tăng cung tín dụng để góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, điều hành ở mức tăng 12% cả năm 2013...

Chính phủ cũng xác định sẽ tập trung các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cần thiết; thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương). Đồng thời Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Tái cơ cấu vẫn quá chậm

Chúng ta tái cơ cấu kinh tế nhưng phân theo từng cấp. Theo nghị quyết của Đại hội Đảng thì đưa ra 3 khâu nghẽn cần xử lý: Cải cách thể chế, cải cách hạ tầng và nguồn nhân lực. Nhưng cấp điều hành thì lại chia tiếp thành 3 đột phá: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công. Như vậy thành từng lớp, chính vì thế khi triển khai chúng ta thấy ít tác dụng. Từ khi có Nghị quyết của Quốc hội tới giờ, về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã làm được gì đâu?

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, một số ý kiến cho rằng các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng cần minh bạch thông tin về các ngân hàng là hoạt động lành mạnh hay yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích, qua đó?tăng lòng tin thị trường và xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Nông dân đối mặt “lỗ kép”

Suy giảm kinh tế đã quá rõ ràng và hết sức đáng lo ngại, bằng chứng rõ nhất là việc doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động đã trở thành “dịch”, lan nhanh. Việc cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải thành lập một ủy ban tầm quốc gia để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế cũng như ngăn việc ngừng sản xuất và phá sản doanh nghiệp.

Vấn đề đáng lo ngại nữa là hiện nay người nông dân đang đối mặt với tình trạng “lỗ kép”. Cụ thể là giá nông sản (lương thực, chăn nuôi) đang giảm dẫn đến nguồn thu của nông dân giảm, nhưng các khoản chi khác lại tăng như cho thức ăn gia súc, phân bón, vật tư nông nghiệp nói chung, cộng thêm giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng tăng... Chính việc lương thực, giá sản phẩm chăn nuôi giảm đã dẫn đến lạm phát thấp vì chỉ số các mặt hàng này?chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa chứ không phải là do giải pháp kiềm chế lạm phát hữu hiệu như chúng ta vẫn tưởng.