Từ sửa thành xây mới
Vị trí các ngôi nhà ở 149 và 151 Mai Thúc Loan, TP.Huế- nơi sinh sống của các hộ ông Nguyễn Văn Thuyên và Lê Minh Châu- thuộc khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích Lục Bộ. Vào tháng 4.2012, ông Thuyên và ông Châu có đơn gửi TTBTDTCĐ Huế xin được cải tạo ngôi nhà mình đang ở.
Hai ngôi nhà cao tầng của ông Thuyên và ông Châu xây dựng tại khu vực 1 di tích Lục Bộ. |
Trên cơ sở đó, ngày 4.4 và 11.4.2012, TTBTDTCĐ Huế lần lượt có văn bản đồng ý cho ông Thuyên và ông Châu sửa chữa nhà. Theo các văn bản trên của TTBTDTCĐ Huế, ông Thuyên và ông Châu chỉ được sửa chữa nhà theo quy mô cũ là nhà 1 tầng, chiều cao không quá 5m, kể cả mái; không được cơi nới thêm diện tích, không được đổ mái bằng... Tuy nhiên, sau khi được sự cho phép sửa chữa nhà, ông Thuyên và ông Châu đã đập bỏ các ngôi nhà cấp 4 cũ để xây dựng thành nhà 2 tầng hoành tráng.
Ngày 29.5.2012, Đội quản lý đô thị TP.Huế tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Châu. Ngày 5.6.2012, UBND TP.Huế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Châu với số tiền 10 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 11.7.2012, Đội quản lý đô thị TP.Huế lập biên bản vi phạm đối với ông Thuyên và 8 ngày sau đó UBND TP.Huế ra quyết định xử phạt ông Thuyên 10 triệu đồng. Theo quyết định của UBND TP.Huế, cùng với bị phạt tiền, ông Châu và ông Thuyên còn phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Tại thời điểm bị lập biên bản, cả 2 công trình trên đều đang trong tình trạng xây dựng dang dở. Tuy nhiên, sau khi bị lập biên bản, các hộ dân trên vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng. Từ cuối năm 2012, hành vi xây dựng trái phép trên đất di tích của 2 hộ dân trên đã được báo cáo lên UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Từ đó đến nay, UBND tỉnh nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xử lý cương quyết đối với hành vi vi phạm nêu trên nhưng mọi chuyện vẫn nằm trên giấy.
Làm trái thẩm quyền, thiếu giám sát
Theo ông Nguyễn Khắc Vẽ- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất của Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên- Huế, các ngôi nhà ở 149 và 151 Mai Thúc Loan là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trung tâm Phát triển quỹ đất là cơ quan trực tiếp quản lý những ngôi nhà này và các hộ ông Thuyên, ông Châu chỉ là những người thuê nhà. Ông Vẽ cho biết, vừa qua, cơ quan của ông đã họp với các cơ quan liên quan, trong đó có TTBTDTCĐ Huế, để quyết định phương án xử lý đối với các trường hợp xây dựng trái phép nêu trên.
Cũng theo ông Vẽ, 2 ngôi nhà trên có thể được cho phép sửa chữa, nhưng việc cho phép không phải là chức năng của TTBTDTCĐ Huế. Mặt khác, vì các ngôi nhà này nằm trong khu vực 1 di tích nên nếu TTBTDTCĐ Huế đã để cho các hộ dân trên sửa chữa nhà thì trong quá trình người dân sửa chữa, trung tâm này phải tiến hành giám sát để không xảy ra tình trạng đập bỏ nhà cũ để xây nhà cao tầng trên đất di tích.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Thắng- Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Theo quy định, khu vực 1 của khu di tích Lục Bộ phải giữ nguyên hiện trạng. Khi nhận được đơn xin sửa chữa của người dân, chức năng của TTBTDTCĐ Huế chỉ dừng lại ở mức xác nhận các ngôi nhà cần sửa chữa nằm trong khu vực nào của di tích. Mặt khác, theo quy định về quản lý nhà nước thì sau khi nhận được đơn xin sửa chữa của người dân, TTBTDTCĐ Huế phải báo cáo cho Sở VHTTDL, nhưng trung tâm này đã không báo cáo.
Ông Thắng cũng khẳng định, việc cho phép hay không cho phép các hộ dân trên sửa chữa nhà không phải là thẩm quyền của TTBTDTCĐ Huế mà là của UBND TP.Huế. “Trung tâm đã làm không đúng chức năng và đã không giám sát hoạt động sửa chữa nhà của các hộ dân trên sau khi cho phép”- ông Thắng nói.
An Sơn