Dân Việt

Tản mạn vui năm Ngựa: "Thầy bói" nói gì?

Hữu Hiệp 30/01/2014 13:18 GMT+7
Năm nay, những người cầm tinh con Ngựa ít nhiều cũng có những băn khoăn theo cái mà dân gian vốn gọi là “Năm Tuổi”…
Trước hết tưởng cũng nên biết qua chuyện “coi tuổi”. Các thầy cắt nghĩa đùi rằng người tuổi Thân phải chấp nhận “tủi thân!” – buồn cho số phận; con gái tuổi Dần phải rán mà tự lo, nếu không ắt phải “ế” vì không ai dám đem “cọp” về làm dâu trong nhà; tuổi Sửu thì cực như trâu; tuổi Hợi khỏi làm cũng có ăn; tuổi Mùi càng sướng, mãn đời chỉ ăn chơi thỏa thích…

Trong chiều hướng đó, năm nay (Giáp Ngọ) không ít người tuổi Ngọ mang tâm lý không được vui vì sợ xui rủi, bệnh tật… Rõ ràng đầu đuôi gốc ngọn cũng do “thầy bói” mà ra!

Dưới mắt của thầy, hễ ai gặp năm tuổi thầy dạy phải “cúng tam tai”, phải đi lạy cho đủ 99 kiểng chùa…, hoặc phải làm thế này thế khác mới “tai qua nạn khỏi”. Những người nhẹ dạ cả tin không thể không nhờ thầy “giải hạn”, tức phải “đặt tiền tổ”. Vậy là “tiền thầy thầy bỏ túi”, còn kết quả ra sao lại là chuyện khác! Thực tế có khi cũng đúng, nhưng nghiệm cho thấu đáo thì đó chẳng qua do quá lo sợ nên khi nói hoặc làm việc gì cũng dè dặt, cẩn thận.
img
Sang trọng.

Chưa hết, các thầy còn hù người tuổi Ngọ phải dè chừng “tứ hành xung” (Tý Ngọ Mẹo Dậu), đi đâu cũng phải “coi ngày” và nhứt là phải tránh hướng Ngọ! Chuyện không phải mới, vì tự ngàn xưa, đã trở thành vô nghĩa đối với người đứng ngoài vòng xoáy mê hoặc.

Việt sử tiêu án
chép thời Hiển Tôn hoàng đế, khi phụ táng Bảo Tử Thái hậu ở Thái Lăng, vua sai bách quan chọn ngày tốt, có người nói năm nay bất lợi, bác bỏ ngày đã chọn ấy đi. Thượng hoàng (Trần Minh Tôn) hỏi rằng: “Ngươi biết sang năm ta chết hay sao?”, thưa rằng: “Không biết”. Lại hỏi: “Nếu sang năm chưa chết thì nên hoãn việc táng; nếu sang năm chết mà đã táng được mẫu hậu, chả hơn chết mà không làm được việc hay sao? Trong lễ có sự chọn ngày là trọng việc đó mà thôi, sao lại câu nệ việc họa hay phúc thế được”. Việc táng vẫn thi hành.

Xưa kia, khi đưa đám tang vua Đại Tôn đời Đường, vua Đức Tôn thấy xe tang không đi chính đường đã đặt sẵn, lại đi tránh sang hướng Đinh và Vị, hỏi tại cớ sao? Các quan thưa: “Vì bản mệnh bệ hạ tại hướng Ngọ, nên xe tang tránh hướng Ngọ”. Vua nói: “Có lẽ nào mưu đồ tư lợi cho mình, mà bắt xe tang đi không chính hướng như thế?” liền truyền lệnh cứ thẳng hướng Ngọ mà đi. Nay vua Minh Tôn bác lời chọn ngày, đều là có hiếu tâm, không mê hoặc về hủ tục.

Về 12 con giáp, dân gian có đặt bài vè nghe cũng vui vui:

Tuổi Tý con Chuột trong nhà,


Tha gạo, tha nếp, tha dồn xuống hang.


Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng,


Cày chưa hết buổi đã mang cày về.


Tuổi Dần con Cọp dữ ghê,


Bắt người ăn thịt đem về non cao.


Tuổi Mẹo là con Mèo ngao,


Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh.


Tuổi Thìn ông Rồng ở trên thiên đình,


Hô phong hoán vũ ỷ mình trên mây.


Tuổi Tỵ con Rắn ở với cỏ cây,


Nằm khoanh trong bọng không hay điều gì.


Tuổi Ngọ con ngựa ô đen xì,


Ỷ mình sức mạnh kể gì đường xa.


Tuổi Mùi là con Dê chà,


Có sừng, có gạc râu ria um tùm.


Tuổi Thân con Khỉ ở lùm,


Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông.


Tuổi Dậu là con Gà vàng,


Có mồng, có tít gáy ò ó o.


Tuổi Tuất là con Chó cò,


Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem.
Tuổi Hợi là con Heo ăn hèm,

Ăn no rồi ngủ chẳng thèm lo chi!


Về thời gian, cũng như 12 con giáp, Ngọ được chọn đặt tên cho năm, tháng, ngày, giờ theo hệ thập nhị chi.

Dưới đây là sự giải thích các giờ theo suy đoán chủ quan của người nay:

- Giờ Tí (23g-1g) là lúc loài chuột hoạt động mạnh mẽ nhất.

- Giờ Sửu (1g-3g) là lúc trâu chuẩn bị đi cày.

- Giờ Dần (3g-5g) là thời điểm hung hãn nhất của loài hổ.

- Giờ Mão/ Mẹo (5g - 7g) là lúc mèo chuẩn bị vào bếp để ngủ.

- Giờ Thìn (7g - 9g) là lúc rồng tụ họp lại để làm mưa.

- Giờ Tỵ (9g - 11g) là lúc rắn trở về hang.

- Giờ Ngọ (11g - 13g) là lúc khí âm sắp sửa sản sinh do ngựa thuộc loài động vật có tính âm.

- Giờ Mùi (13g - 15g) là lúc cỏ bị dê ăn sẽ mọc lại mạnh nhất.

- Giờ Thân (15g - 17g) là lúc khỉ thích kêu la.

- Giờ Dậu (17g - 19g) là lúc gà đi ngủ.

- Giờ Tuất (19g - 21g) là lúc chó lo giữ nhà.

- và cuối cùng là giờ Hợi ( 21g - 23g) lúc heo đã vào chuồng ngủ say.

“Giờ Ngọ” là giữa trưa, từ 11 – 13 giờ. Mỗi ngày các nhà sư chỉ dùng một bữa cơm vào giờ Ngọ thì gọi “ăn cơm ngọ”. Các năm Ngọ kể theo can chi là: Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ, Nhâm Ngọ. Còn tháng Ngọ là tháng 5 âm lịch. `

Trở lên là những chuyện về bói toán và dân gian. Còn nói theo cách hiểu của người nay, ai gặp “năm tuổi” là điều nên mừng (như đón mừng trọng thể những năm tròn sự kiện lịch sử) vì sau khi đã trải chu kỳ một con giáp, những 12 năm trời, nay mới trở lại, thế thì phải phấn chấn, lạc quan, chứ sao lại cứ bị ám thị là sẽ xui này rủi nọ, đặng cho cái buồn phiền vô lý ấy nó mãi đeo bám bên mình? Hay nói một cách khác, “năm tuổi” không quan hệ gì đến chuyện tốt xấu cả. Tốt xấu là do mình, bởi lẽ thường hễ làm phải thì gặp phải, làm ác thì gặp ác. Thế thôi.

Tất nhiên tin hay không là do suy nghĩ riêng của từng người. Tuy nhiên, nhiều người hễ gặp “năm tuổi” chưa mấy gì an tâm, lại còn coi thêm cả "căn chỉnh nhà ở" theo quan niệm phong thủy. Bởi theo quan niệm phong thủy thì, Ngọ là chi thứ 7 trong thập nhị chi (dựa theo cách kể tính: 1. Tý, 2. Sửu, 3. Dần, 4. Mẹo, 5. Thìn, 6. Tỵ, 7. Ngọ…), mà số 7 là con số có sức mạnh kỳ diệu với những nguồn gốc truyền thuyết sâu sắc.

Đó là 7 sao và cây gươm; 7 sao dùng trong nghi lễ đạo Lão, tượng trưng cho sức mạnh đẩy lùi ma quỷ trong phong thủy, một sự bài trí 7 món đồ vật được ban cho một sức mạnh kỳ bí và một cảm giác của sự bất khả xâm phạm”.

Rõ ràng, năm nay những người tuổi Ngọ sẽ rất tốt, vì “mấy thuở” “thời đại của ta” mới đáo lại một lần. Đó là tín hiệu sự ổn định và yên tâm trong cuộc sống. Năm nay người tuổi Ngọ không chỉ gặp may mắn về danh phận, tiền tài, mà tình ái cũng tiến triển theo chiều hướng lạc quan, vui vẻ. Chúc mừng! Chúc mừng!