Nguyên nhân là do các cơ sở làm miến giảm mua nguyên liệu vì đầu ra cho miến đang suy giảm nghiêm trọng.
Rẻ như choNhững năm gần đây, củ dong riềng (còn gọi là củ đót) - loại nguyên liệu dùng sản xuất miến dong đã được trồng tràn lan ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn… Cũng chính vì trồng ồ ạt, sản lượng lớn, giờ đây người trồng dong riềng đang rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười.
Như tại xã Thọ Xuân, Thọ An (Đan Phượng, Hà Nội) nơi có tới hàng trăm ha dong riềng, khác với những năm trước, năm nay mặc dù những vườn dong cây đã héo khô, rũ xuống nhưng chỉ lác đác vài hộ đi thu hoạch. Anh Trần Văn Tân ở thôn 4 xã Thọ Xuân buồn rầu nói:
“Còn may nhà tôi chỉ trồng 4 sào, những hộ trồng cả mẫu thì năm nay “lãnh đủ”, coi như mất… tết. Hôm trước tôi bán gần 2 sào, nhưng chỉ được 250.000 đồng, còn 2 sào đẹp hơn được 500.000 đồng, trong khi đó dong giống mỗi sào hết 150kg (giá 40.000 đồng/kg), cộng với 100kg lân và 2 tạ phân chuồng nữa, tính ra gần triệu đồng chưa kể công chăm sóc, như vậy trung bình mỗi sào lỗ 600.000 – 800.000 đồng”.
Người trồng dong riềng ở thôn Bắc Hà, xã Thọ An (Đan Phượng, Hà Nội) thua lỗ nên bỏ ruộng dong đi bốc dong thuê ở làng miến Dương Liễu.
Trồng gần mẫu dong riềng, giá lao dốc, nên sự ngám ngẩm, thất vọng thể hiện rõ trên khuôn mặt của hai vợ chồng anh Nguyễn Phương Tú ở thôn Bắc Hà, xã Thọ An. Bỏ thì tiếc, thu hoạch thì lỗ, cuối cùng anh Tú đành bỏ ruộng dong không thu hoạch nữa, rồi hai vợ chồng kéo xuống làng miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) để làm thuê.
“Trung bình mỗi sào dong đạt khoảng 1,7 – 1,8 tấn, với giá bán 500 đồng/kg chưa được triệu đồng. Trong khi đó mỗi sào hết 7 công thu hoạch (140.000 đồng/công), tính ra lỗ; nếu cộng cả tiền giống, phân bón, công nữa thì lỗ đậm. Gần tháng nay hai vợ chồng xuống xã Dương Liễu bốc dong thuê kiếm ngày 200.000 đồng còn hơn ở nhà đào dong chịu lỗ”.
Mấy hôm nay tôi đành nhờ anh em đến đào để giải phóng đất, chứ có 550 đồng/kg thì bõ gì bán chác”. Chị Nguyễn Thị Hòa
|
Thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) cũng có khoảng 50ha dong riềng, mặc dù nằm giáp với làng nghề miến Dương Liễu nhưng giá bán được cũng chỉ nhỉnh hơn không đáng kể. “Bỏ thì không có đất làm màu, đào thì lỗ. Mấy hôm nay tôi đành nhờ anh em đến đào để giải phóng đất, chứ có 550 đồng/kg thì bõ gì bán chác” – chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Tiền Lệ bày tỏ.
Cung vượt quá cầuVề xã Dương Liễu, cái nôi của nghề miến dong, dọc từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng thấy dong riềng, nhưng đống củ cao ngất ngưởng choán hết cả lòng đường. Ông Nguyễn Phi Đức – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thương mại Dương Liễu cho biết, chưa có năm nào giá dong nguyên liệu và miến lại rẻ như năm nay. Theo đó, giá dong năm ngoái 1.800 – 2.200 đồng, nay chỉ còn 600 – 700 đồng/kg. Giá tinh bột dong cũng giảm từ 15.000 đồng xuống còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Miến giảm từ 35.000 xuống còn 20.000 – 22.000 đồng/kg”.
Giá tại các tỉnh đều giảm Theo khảo sát của NTNN, giá dong riềng tại các địa phương khác cũng giảm giá nhanh chóng. Tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) giá dong riềng dao động từ 300 - 350 đồng/kg, lượng tồn đọng lên đến hàng chục nghìn tấn. Tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm… (Bắc Kạn) có khoảng 3.000ha dong riềng, sản lượng khoảng 170.000 tấn củ, hiện giá dao động từ 500 - 700 đồng/kg, lượng tồn đọng khoảng 50%. Tại Sơn La, giá dong riềng cũng chỉ dao động từ 300 - 400 đồngkg… Nam Tùng Sơn
|
Ông Đức cho biết thêm, Dương Liễu có khoảng 100 hộ làm nghề sản xuất miến dong, mỗi ngày tiêu thụ hàng chục nghìn tấn dong và sản xuất ra hàng trăm tấn miến thành phẩm. Tuy nhiên, năm nay lượng dong tiêu thụ chỉ đạt khoảng 50% so với năm ngoái, trong khi đó nguồn dong tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. “Đầu ra của miến chậm, rẻ, nên năm nay đa số các hộ chỉ sản xuất lấy tinh bột dự trữ là chính, vì vậy lượng dong tồn đọng còn rất nhiều, chưa kể dong còn trong dân” – ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho rằng, nguyên nhân khiến giá dong, tinh bột nguyên liệu tụt giá là do “khủng hoảng” thừa. “Theo tôi được biết, tinh bột miến dong chỉ có thể làm miến, chứ không làm bánh kẹo như tinh bột sắn được. Sức mua có hạn, cung vượt nhiều lần cầu thì giá giảm là điều khó tránh khỏi” – ông Hiến cho hay.
Theo ông Hiến, về nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chưa làm tốt khâu quy hoạch vùng. Những năm đầu thấy trồng dong có thu nhập, nên các tỉnh đua nhau vận động người dân trồng, trong khi đó lại không lo được đầu ra. Ông Hiến nhấn mạnh: “Chúng ta đã có bài học từ cây vải thiều, rồi cây thanh hao hoa vàng và nay là cây dong riềng. Nếu Nhà nước không có sự quy hoạch, định hướng lâu dài, thì người nông dân vẫn mãi phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”, cái điệp khúc mà người nông dân không bao giờ mong muốn”.