Sau khi hoàn thành tất cả các bước kiểm tra cuối cùng, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa quyết định đưa tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm trong môi trường kín nước. Ngày 6.1, tàu ngầm Trường Sa được di chuyển từ xưởng sản xuất vào trong bể nổi. Bể thử nghiệm này có khả năng chứa 200m3 nước, kích thước 4m x 10m x 5m.
Tiếp đến, bể nổi được lấp kín cửa và bắt đầu bơm nước vào. Ông Nguyễn Quốc Hòa là người trực tiếp vào trong khoang để thử nghiệm tàu.
Trong những ngày thử nghiệm này, trước hết, ông Hòa đã kiểm tra được độ kín nước của các mối hàn, các gioăng cao su của chân vịt hay nắp thân tàu và cho kết quả hoàn toàn chắc chắn. Đồng thời máy định vị vệ tinh và radar của tàu ngầm cũng được thử nghiệm và cho kết quả hết sức thuyết phục.
Điều thứ hai ông Hòa có thể kiểm tra được khả năng lặn, nổi của con tàu và sự hoạt động của hệ thống điện.
Tàu ngầm Trường Sa vào bể thử nghiệm
Ông Hòa cho biết sau khi tháo nước ra khỏi bể thử nghiệm ngày 14.1, ông Hòa chưa có thêm hoạt động thử nghiệm nào với tàu ngầm Trường Sa do bận rộn với những hợp đồng kinh tế của nhà máy.
Theo dự kiến, vào những ngày cuối tuần này (18-19.1), ông sẽ tiếp tục bơm nước vào bể thử nghiệm và tiến hành kiểm tra độ cân bằng của tàu ngầm. Ông Hòa cho biết đây là một hạng mục rất quan trọng cần thử nghiệm, nếu con tàu bị rung lắc hoặc lệch trọng tâm, mất cân bằng thì tất cả những hoạt động trong khoang tàu đều không thể thực hiện được.
Theo ông Hòa, nếu Trường Sa thành công về chế độ cân bằng thì ngay lập tức ông có thể kiểm tra luôn sự vận hành của hệ thống không khí tuần hoàn AIP cũng như hệ thống động cơ và kết thúc đợt thử nghiệm đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu sự cân bằng của tàu ngầm không được hoàn chỉnh, rất có thể Trường Sa sẽ mất rất nhiều thời gian để căn chỉnh.
Ông Hòa nhận định thêm: “So với bản thiết kế của tôi, đến thời điểm này con tàu không có gì sai sót, ngay cả với trọng lượng của tàu. Hiện tại tàu có trọng lượng 9 tấn lẻ 50kg, trong bản thiết kế của tôi là 9 tấn. Do đó, tôi tin rằng không có vấn đề gì với sự cân bằng của tàu”.
Bên trong bể thử nghiệm của con tàu
Về phương pháp lặn, nổi của con tàu, có nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng không nhìn thấy khoang chứa nước để giúp con tàu có thể hoạt động chìm, nổi như một chiếc tàu ngầm bình thường, ông Hòa cho biết:
“Tàu ngầm của tôi được thiết kế nhỏ gọn tối đa và vô cùng khoa học. Nhiều người xem ảnh không nhìn thấy khoang chứa nước thì nghĩ nó không có, nhưng thực tế, phần đáy của mũi và đuôi tàu đã được thiết kế khoang chứa nước. Khi tàu nổi, tàu có trọng lượng là 9 tấn, nhưng khi tàu lặn sẽ có trọng lượng là 13 tấn, tất cả đều đã được tôi tính toán từ đầu. Còn ai cho rằng tàu của tôi không thể nổi, thì người đó nên học lại vật lý.”
Dự kiến, nếu mọi thử nghiệm đều thành công, đợt thử nghiệm đầu tiên này sẽ kết thúc vào ngày thứ ba (21.1.2014).