Bữa cơm họp mặt cuối năm là một truyền thống có từ lâu trong gia đình anh Phúc, ngay cả lúc khó khăn về kinh tế của những năm thời bao cấp. Cứ chiều 30 Tết, con cái trong nhà tề tựu đông đủ trong bữa ăn cuối năm, mọi người ăn, nói chuyện, chia sẻ với nhau những buồn vui năm qua, mọi yêu thương, giận hờn đều được thổ lộ. Cuộc họp mặt kéo dài tới giao thừa, cả nhà cùng chúc Tết bố mẹ và chúc Tết lẫn nhau. Bữa cơm thật đầm ấm, thú vị và tràn đầy tình yêu thương cũng như tiếng cười.
Với gia đình anh Đức ở Thành phố Pleiku, Gialai, bữa cơm cuối năm cũng là một nghi thức bắt buộc không thể thiếu trong những ngày giáp Tết. Là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm, do đó trong năm, nhất là vào vụ mùa cà phê, hồ tiêu, gia đình anh thường không có được những bữa cơm chung với nhau. Mặt khác, con cái anh cũng đã lớn, phần các cháu đi du học, phần thì các cháu phải đi học thêm ngoại ngữ, tin học... nên hiếm khi cả gia đình có buổi ăn chung đầy đủ cả nhà.
Bữa cơm tất niên trong gia đình anh Đức. Ảnh: Phú Thi
Nhưng đã thành luật bất thành văn, dù đi đâu, làm gì thì bữa cơm chiều 30 Tết mọi người vẫn phải có mặt đông đủ, đôi lúc anh Đức còn mời thêm một vài người bạn than thiết với gia đình cùng ăn chung bữa ăn này. Trải qua nhiều năm, bữa cơm tất niên của gia đình anh Đức đang dần trở thành một truyền thống tốt của gia đình. Các con anh dù đã có gia đình riêng, có con cái nhưng vẫn trở về nhà anh chị vào chiều cuối năm để gặp mặt cả nhà trong bữa ăn tất niên.
Bữa cơm tất niên mỗi năm lại thêm đông vui khi có thêm những thành viên mới của gia đình tham dự. Tết năm nay, gia đình anh dù thiếu sự hiện diện của cô con gái lớn đã lấy chồng và định cư bên Australia, nhưng theo anh, buổi ăn cuối năm vẫn không cảm thấy sự thiếu vắng này, vì cô con gái anh và mấy đứa nhỏ trong nhà đã lên kế hoạch “cầu truyền hình Việt - Australia” thông qua Internet để có thể cùng tham gia bữa ăn gia đình cuối năm qua Webcam.
Chánh Mỹ, cô con gái của anh Đức cho biết: “Dù đi đâu, làm gì, thì bữa cơm gia đình cuối năm vẫn là một kỷ niệm khó quên, một sự nôn nao thôi thúc mọi người quay về gia đình trong những dịp Tết”. Chánh Mỹ còn cho biết thêm, gia đình bạn trai của em trước đây không có thói quen này. Từ ngày quen Chánh Mỹ, được tham dự những bữa cơm gia đình như thế, bạn đã về tổ chức cho nhà mình và được mọi người ủng hộ nhiệt tình.
Theo Thạc sĩ Giáo dục Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc, bữa cơm gia đình cuối năm là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt. Trước đây, thường những bữa ăn cuối năm là dịp sum họp gia đình sau những ngày đi kiếm sống xa quê. Trong bữa ăn này, mọi người tâm sự với nhau về những buồn vui đã gặp trong năm, những yêu thương, giận hờn của năm cũ được rủ bỏ, mọi người chuẩn bị bước vào năm mới với một tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm sau khi đã để lại sau lưng mình mọi điều không tốt lành của năm cũ.
Thường bữa ăn sẽ được kéo dài tới giao thừa, con cháu chúc tết ông bà, bố mẹ, anh chị em chúc tết lẫn nhau. Sau đó, cả nhà cùng đi chùa, nhà thờ hoặc tới một nơi tôn nghiêm nào đó để câu xin cho một năm mới an bình, thịnh vượng với nhiều may mắn.
Qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, trong một số gia đình truyền thống này dân dần bị mai một. Đây là một điều thật đáng tiếc, vì bữa cơm cuối năm là một dịp tốt để gắn kết tình thân trong gia đình, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, và còn là cơ hội để giáo dục về lòng yêu quê hương, đất nước cũng như sự tôn kính ông bà, tổ tiên cho các bạn trẻ thế hệ @ hiện nay.
“Ước gì mỗi gia đình Việt đều xây dựng được thói quen bữa cơm tất niên, xây dựng như một tính cách Việt trong thế kỷ 21 này”, ông Thịnh nói.