Trực thăng tấn công là bộ phận hỏa lực cực kỳ quan trọng cho nhiệm vụ hỗ trợ chi viện hỏa lực và chống tăng trên chiến trường. Kinh nghiệm những cuộc xung đột quân sự gần đây đã chứng minh vai trò quan trọng của phương tiện chiến đấu này. Trực thăng tấn công thậm chí đang làm lu mờ vai trò của các xe tăng chiến đấu chủ lực.
Tầm quan trọng của nó đã thôi thúc các quốc gia trên thế giới, trong đó dẫn đầu là Nga-Mỹ phát triển các loại trực thăng tấn công mới mạnh mẽ, tinh vi hơn.
Trong khi AH-64D Apache là trụ cột trong lực lượng trực thăng tấn công của Mỹ thì Ka-50/52 là hiện tại và tương lai của trực thăng tấn công Nga.
Thiết kếAH-64D có thiết kế tiêu chuẩn dành cho trực thăng tấn công, buồng lái được thiết kế với 2 phi công, một ngồi phía trước và một ngồi phía sau. Trong đó, phi công phía trước điều khiển máy bay còn phi công phía sau kiểm soát hệ thống vũ khí. Tuy nhiên, cả hai phi công vẫn có thể điều khiển máy bay và sử dụng hệ thống vũ khí. Apache sử dụng cánh quạt chính 4 lưỡi cùng rotor đuôi 4 cánh được bố trí bên trái đuôi trực thăng.
AH-64 Apache (ở trên) có thiết kế tiêu chuẩn dành cho trực thăng, trong khi Ka-50/52 (ở dưới) có thiết kế rotor đồng trục.
Ka-50/52 được thiết kế sử dụng hệ thống rotor đồng trục với 2 cánh quạt chính 3 lưỡi quay ngược chiều nhau. Giải pháp thiết kế này giúp triệt tiêu mô men xoắn khi trực thăng hoạt động, loại bỏ sự cần thiết phải sử dụng rotor đuôi như các trực thăng khác.
Thiết kế rotor đồng trục cũng cho phép máy bay có khả năng cơ động cao hơn, hiệu suất sử dụng động cơ tăng 30% so với thiết kế truyền thống. Các nghiên cứu thực tế cho thấy, các sự cố liên quan đến rotor đuôi như hỏng hóc hay bị bắn trúng là nguyên nhân hàng đầu khiến các trực thăng bị rơi trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, thiết kế rotor đồng trục đòi hỏi hệ thống hộp số truyền động rất phức tạp, gây khó khăn không nhỏ đến quá trình thiết kế và sản xuất.
Biến thể Ka-50 đời đầu được thiết kế với một phi công điều khiển, biến thể nâng cấp Ka-52 được thiết kế với 2 phi công điều khiển ngồi cạnh nhau.
Nhìn chung về mặt thiết kế, cả AH-64 và Ka-50/52 đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nga-Mỹ là 2 quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới nên họ luôn có những đường lối phát triển vũ khí độc lập với nhau.
Hệ thống điện tửAH-64 được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số và đây cũng chính là thế mạnh của công nghiệp hàng không Mỹ. Một trong những hệ thống điện tử mang tính cách mạng được áp dụng trên Apache là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ bay IHADSS.
IHADSS bao gồm một cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu ảnh nhiệt PNVS (AN/AAQ-11) đặt trước mũi trực thăng và nằm ở phía trên, một pháo tự động M230 30mm. Tất cả các hệ thống này được kết nối với nhau và hiển thị lên màn hình được tích hợp trên mũ bay của phi công ngồi phía sau. Điểm độc đáo của IHADSS là nó được điều khiển theo động tác cử động quay đầu của phi công, mỗi lần phi công ngoái đầu về bên nào thì toàn bộ hệ thống cảm biến và pháo 30mm sẽ hướng về bên đó.
Giải pháp thiết kế này mang lại hiệu quả tác chiến rất cao, phi công có thể khai hỏa ngay khi nhìn thấy mục tiêu bởi cảm biến và vũ khí đều có cùng một hướng nhìn với phi công.
Một phần buồng lái của AH-64 (ở trên) và Ka-50/52 (ở dưới). Cả hai loại trực thăng này đều được trang bị hệ thống điện tử hàng không số hóa nhưng AH-64 có lợi thế hơn về hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu.
Hệ thống cảm biến thứ 2 của AH-64 là bộ tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu TADS (AN/ASQ-170). Hệ thống này bao gồm một camera quang truyền hình, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR cùng hệ thống máy đo xa laser. TADS tương thích với hệ thống PNVS, chúng có thể hoạt động độc lập hoặc hỗ trợ cho nhau trong việc điều khiển vũ khí.
Hệ thống cảm biến thứ 3 của Apache là radar bước sóng milimet AN/APG-78 được gắn trên đỉnh của rotor chính. Radar này có thể theo dõi 128 mục tiêu, kiểm soát cùng lúc 16 mục tiêu nguy hiểm nhất.
Từ năm 2005 trở đi, các trực thăng AH-64 Apache của Mỹ được nâng cấp với hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu mới gọi là Arrowhead. Hệ thống mới cho phép tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu trong những điều kiện mà các hệ thống FLIR hiện có không nhìn thấy được. Khả năng tấn công của Apache sẽ được nâng lên một tầm cao mới với hệ thống này.
Ka-50/52 cũng được trang bị hệ thống điện tử hàng không số hóa nhưng hệ thống cảm biến của trực thăng có sự thay đổi đáng kể giữa các biến thể. Ka-50 đời đầu sử dụng hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu Shkval-N, màn hình hiển thị HUD ILS-31. Biến thể Ka-52 đầu tiên được bổ sung thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu Samshit-E gắn trên nóc cabin cùng radar tìm kiếm mục tiêu Arbalet ở trên đỉnh rotor.
Biến thể mới nhất của Ka-52 có phần mũi được thiết kế mới bên trong chứa radar bước sóng milimet FH-01. Hệ thống cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu Samshit-E được gắn dưới mũi máy bay. Hệ thống cảm biến này được điều khiển bằng một nút lăn bằng tay trên thanh điều khiển của phi công.
Một số mẫu thử nghiệm của Ka-52 lại sử dụng hệ thống FLIR do tập đoàn SAGEM của Pháp sản xuất. Nga vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát triển các hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu FLIR đủ mạnh nên đang xem xét nhập khẩu hệ thống này từ Pháp để trang bị cho Ka-50/52.
Tải trọng vũ khíAH-64 có 2 cánh phụ hai bên hông với 2 điểm treo mỗi cánh có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, giá phóng rocket không điều khiển Hydra 70mm, tên lửa không đối không tầm thấp AIM-92 Stinger. Dưới bụng trực thăng được trang bị một pháo tự động M230 30mm với cơ số 1.200 viên đạn.
Ka-50/52 (ở trên) có lợi thế hơn AH-64 (ở dưới) về tải trọng vũ khí.
Ka-50/52 cũng có 2 cánh phụ 2 bên hông nhưng mỗi cánh được trang bị 3 điểm treo vũ khí có thể mang theo tải trọng vũ khí lên đến 2.000kg. Trực thăng này có thể mang theo 2 giá treo tên lửa APU-6 với 6 tên lửa/giá, tổng cộng 12 tên lửa chống tăng 9K121 Vikhr, 80 rocket không điều khiển 80mm hoặc 20 rocket không điều khiển 122mm.
Ka-50/52 cũng có thể mang theo 4 bom không điều khiển 250kg hoặc 2 bom 500kg, nó cũng có thể mang theo tên lửa không đối không R-73. Ka-50/52 còn được trang bị 1 pháo tự động 2A42 30mm bố trí ở bên hông phải của trực thăng.
Khả năng cơ độngBiến thể mới nhất AH-64D Block III (còn gọi là AH-64E Apache) được trang bị 2 động cơ turboshaft T700-GE-701D công suất 2.000 mã lực/chiếc, tốc độ tối đa đạt 293km/h, tốc độ hành trình 265km/h, bán kính chiến đấu 480km, phạm vi hoạt động tối đa 1.900km, trần bay 6.400m.
Ka-50/52 được trang bị 2 động cơ turboshaft Klimov TV3-117VK công suất 2.200 mã lực/chiếc, tốc độ tối đa đạt 350km/h, tốc độ hành trình 270km/h. Bán kính chiến đấu 460km, phạm vi hoạt động tối đa 1.180km, trần bay 5.500m.
Ka-50/52 có lợi thế về khả năng cơ động nhưng phạm vi hoạt động lại ngắn hơn so với AH-64. Sở dĩ có điều này là do các động cơ turboshaft của Nga nói riêng và các động cơ khác do nước này chế tạo luôn nổi tiếng thế giới về mức độ “ngốn nhiên liệu”.
Xét về tổng thể, AH-64 Apache có lợi thế về hệ thống điện tử trong khi đó Ka-50/52 lại có lợi thế về khả năng cơ động và tải trọng vũ khí. Nhìn chung, 2 trực thăng tấn công này xứng đáng là những “sát thủ chống tăng” số 1 trên chiến trường.