Được biết, từ tháng 5.2012, loại trực thăng Mi-24 đã được đưa vào
phục vụ trong không lực của Ukraine. Nhờ hiệu suất chiến đấu tốt, Mi-24
không chỉ được Ukraine mà ngay cả các nước NATO vẫn tin dùng. Trong diễn
biến ở miền đông, Mi-24 đã được Ukraine điều tới cùng với Su-27 để thực
hiện các hoạt động đặc biệt của quân lực nước này tại đây.
Mi-24 được phát triển từ năm 1976 thời Liên Xô. Qua hàng chục năm Mi-24 đã chứng tỏ được sức mạnh chiến đấu và đang phục vụ cho không lực của 50 quốc gia trên thế giới. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, Ukraine đang có khoảng 48 chiếc Mi-24 đa năng vừa chiến đấu vừa vận tải.
Từ những năm 2008-2009, Chương trình hiện đại hóa trực thăng Mi-24 của quân lực Ukraine đã ngốn ngân sách của Bộ Quốc phòng nước này lên tới khoảng 17,5 triệu USD. Trong đó 10 triệu USD được chuyển cho công ty Sagem của Pháp cùng tham gia vào dự án phụ trách hệ thống điện tử, chuyển hướng, phần mềm và hệ thống tương tác của máy bay theo tiêu chuẩn sản xuất NPK Arsenal và quản lý tên lửa mới của Ukraine.
Trực thăng Mi-24 PU1 của Ukraine. Ảnh: Militaryreview.su
Tới năm 2011, theo kế hoạch Bộ Quốc phòng Ukraine còn tài trợ cho chương trình hiện đại hóa Mi-24 với số tiền 7 triệu USD. Cùng với công ty Sagem của Pháp, phía Ukraine có 12 công ty cùng tham gia dự án. Trong đó, Mi-24 phiên bản nâng cấp có tên gọi là Mi-24PU1 sẽ được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng Barrier-In, động cơ mới TV3-117VMA-SBM1V cùng nhiều thiết bị hàng không hiện đại của Châu Âu.
Theo đánh giá của tờ báo Nga
Militaryreview.su, việc Ukraine thay thế các thành phần chính có thể tác động lớn đến hiệu quả chiến đấu của trực thăng. Mi-24 PU1 có động cơ mạnh được hãng Motor Sich của Ukraine sản xuất, nó lại được trang bị hệ thống bảo mật và định vị vệ tinh mới để chống lại tên lửa đối không.
Tờ báo Nga đặc biệt lưu ý, phiên bản nâng cấp mới còn được trang bị hệ thống quan sát tia laser, cho phép máy bay sử dụng hiệu quả các loại vũ khí với độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí cả vào ban đêm.
Đồng thời, Mi-24 nâng cấp còn có thể mang theo 8 tên lửa chống tăng mới Barrier-In, có khả năng phá hủy bất cứ xe tăng nào của đối phương ở khoảng cách 7,5 km và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các loại vũ khí phòng không hạng nhẹ của đối phương.
Barrier-In là một hệ thống tên lửa chống tăng do GKB Ray của Ukraine phát triển. Nó có tầm bắn tối đa 7,5 km, xuyên giáp chống nổ ERA tới 800 mm và hiệu suất hạ mục tiêu ở phát bắn đầu tiên ước tính đạt 85%, đó là một chỉ số khá cao so với tất cả các vũ khí chống tăng hiện đại.