Dân Việt

Khu trung tâm mới của TP HCM sẽ như thế nào?

VnExpress 07/04/2014 14:29 GMT+7
Với điểm nhấn là tòa tháp quan sát 86 tầng, Thủ Thiêm (quận 2) sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp hiện đại của TP HCM trong thế kỷ 21.
Theo Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị vừa được UBND TP HCM ban hành, Trung tâm tổng hợp chính của thành phố sẽ được mở rộng sang khu Thủ Thiêm có diện tích 737 ha, ngoài khu nội thành cũ rộng 930 ha.

Theo đó, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, một phần phường Bình An, Bình Khánh và được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu lõi trung tâm chính, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, Khu dân cư phía Đông, Khu châu thổ phía Nam. Dân số cư trú thường xuyên tại đây là khoảng 145.400 người, sẽ có hơn 217.000 người đến làm việc thường xuyên và khoảng 1 triệu khách vãng lai ghé đến trong các dịp lễ hội.

img
Bán đảo Thủ Thiêm nằm ngay phía bên kia sông Sài Gòn nhìn từ khu lõi trung tâm lịch sử quận 1. Ảnh: Hữu Công

Thủ Thiêm sẽ được phân chia thành 8 khu chức năng. Mỗi khu có đặc điểm riêng về công năng sử dụng hỗn hợp, mật độ xây dựng riêng, không gian công cộng và các công trình trọng điểm.

Điểm nhấn của trung tâm mới tại quận 2 là công trình tòa tháp quan sát cao 86 tầng. Dự án đã được UBND TP cho phép liên doanh Tiến Phước - Keppel Land (Singapore) thực hiện trên khu đất 8,7 ha và sẽ là công trình cao nhất tại TP HCM khi hoàn thành. Phần chân đế tháp quan sát sẽ thành trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí...

Cùng với đó, Quảng trường trung tâm với diện tích khoảng 20,07 ha cùng công viên bờ sông rộng 9 ha sẽ là nơi tập trung cao nhất các công trình kiến trúc cảnh quan tiêu biểu, cảnh quan cây xanh mang tính biểu tượng, điểm nhấn của Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm. Nó còn được cho là nơi thu hút các hoạt động cộng đồng của trung tâm thành phố và khu vực, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư thời kỳ hội nhập. Khi hoàn thành, đây sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với quy mô sử dụng tối đa lên đến 430.000 người.

img
Phối cảnh tòa tháp quan sát cao 86 tầng tại Thủ Thiêm. Khi hoàn thành đây sẽ là tòa nhà cao nhất TP HCM.

Một công trình khác dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015 để phục vụ người dân là Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM cao 5 tầng. Đây là công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đơn vị thiết kế - công ty Deso-Defrain-Souquet (Pháp), trung tâm triển lãm tọa lạc trên quảng trường bên bờ sông Sài Gòn sẽ là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên được xây dựng trên Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kiến trúc tổng thể của trung tâm này gồm hai cánh đặt nghiêng và chụm vào nhau bên trên một không gian thông tầng rộng lớn. Mặt tiền chính hướng về phía quảng trường là cả mảng vườn treo được bảo vệ bởi hệ thống thanh lam kim loại che nắng. Ngoài chức năng chính là triển lãm quy hoạch và kiến trúc, tòa nhà còn là nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân và khách du lịch. Đây không chỉ là nơi quảng bá, mà còn để chia sẻ thông tin, văn hóa và kiến thức.

Khu trung tâm mới tại Thủ Thiêm còn có các công trình công cộng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân như Nhà hát giao hưởng lớn và Nhà bảo tàng... Ngoài ra, Khu phức hợp Bến Du thuyền với chức năng cảng hành khách du lịch được đề xuất tại nơi giao nhau giữa rạch Cá Trê lớn và sông Sài Gòn. Xung quanh khu cảng dự kiến là một quần thể các khu thương mại như nhà hàng, cửa hiệu và chòi nghỉ.

Bên cạnh các công trình công cộng, hệ thống đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại Thủ Thiêm cũng được quy hoạch theo hướng mở với 4 tuyến đường chính: Đại lộ Vòng cung sẽ là tuyến trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ sử dụng đất. Dọc hai bên đường là khu kinh doanh và nhà ở phức hợp. Với chức năng rất quan trọng, tuyến đường sẽ được xây dựng thành tuyến đô thị sầm uất đảm nhận các hoạt động giao thông chính cũng như các sự kiện, lễ hội, văn hóa của đô thị; Đường Ven hồ trung tâm sẽ đóng vai trò đối với phát triển du lịch và sinh thái học. Dọc một bên đường là các trung tâm buôn bán nhộn nhịp và nhà ở phức hợp, phía bên kia hồ là khu vui chơi giải trí; Đường Ven sông Sài Gòn là tuyến bao quanh phía tây bán đảo. Trong khi bên ngoài giáp với sông Sài Gòn thuận tiện giao thông đường thủy thì bên trong lại bao quanh khu vực thương mại sầm uất. Cuối cùng, tuyến đường Vùng châu thổ là tuyến nối tiếp từ Đại lộ Vòng cung và nằm ở vùng ngập nước phía Tây - Nam bán đảo.

4 trục đường chính này với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng theo hình thức xây dựng - chuyển giao đã được khởi công cách nay một năm và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đây được xem sẽ là tiền đề để xây dựng và phát triển cho bản đảo Thủ Thiêm.

img
Phối cảnh quảng trường trung tâm ở Thủ Thiêm rộng hơn 20 ha. Đây sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Về giao thông công cộng, Thủ Thiêm được quy hoạch có tuyến tàu điện ngầm nối từ khu trung tâm hiện hữu tại trạm cuối đường Hàm Nghi vượt sông Sài Gòn, đi ngầm sang Thủ Thiêm theo hướng từ Tây sang Đông về phía quận 2. Tại khu đô thị này có 3 nhà ga ở Đại lộ Vòng Cung, Cung Thiếu Nhi và Bệnh viện quốc tế. Ngoài ra, còn có tuyến tàu điện tốc hành trên cao nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành, Đồng Nai. Hiện tuyến này tiếp tục được nghiên cứu về hướng tuyến và các yêu cầu kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các dịch vụ xe buýt ngắn không ngừng được mở dọc theo khu đại lộ bùng binh và di chuyển xuyên suốt 6,2 km qua khu trung tâm, khu dân cư phía Bắc và đại lộ Đông - Tây. Khoảng 11 điểm dừng xe được lắp đặt. Những điểm dừng chính đặt ở khu Trung tâm hội nghị và sân vận động, nhà thi đấu. Cùng với đó, 6 bến phà sẽ được xây xây dựng nhằm phục vụ di chuyển giữa quận 1, trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và những điểm chính dọc theo sông Sài Gòn. Một mạng lưới gồm hơn 12 đường tàu taxi phục vụ cho việc di chuyển của công nhân và du khách được đặt dọc theo lòng sông của Thủ Thiêm.