Trong khuôn khổ các hoạt động hành trình về dự Giỗ Tổ Hùng Vương trên quê hương, từ ngày 10.4 đến 11.4, đoàn kiều bào tiêu biểu đã tham dự cuộc gặp gỡ và giao lưu với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đến thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đức Ninh và thăm quê Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An.
Trong buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, những cơ hội, tiềm năng hợp tác đầu tư về nước của kiều bào, cũng như những chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giới thiệu khá kỹ về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, cũng như đánh giá cao đóng góp của kiều bào trong thời gian qua và khẳng định, tỉnh sẽ có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với bà con về đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh tại địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn kiều bào và Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Tiến Dũng khẳng định: “Bà con kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, không những về từ thiện mà còn có nhiều dự án hỗ trợ cho Quảng Bình. Chúng tôi đã xây dựng những chính sách đầu tư chung, trong đó rất mong muốn kiều bào các nước trở về với Quảng Bình. Chúng tôi sẽ dành những chính sách đặc biệt hơn đối với kiều bào, ví dụ như ưu đãi về thuế…”.
Các kiều bào đã bày tỏ tình cảm của mình đối với mảnh đất miền Trung còn nhiều khó khăn nhưng cũng rất giàu có về truyền thống lịch sử. Thay mặt đoàn kiều bào, Ông Trần Văn Kha (kiều bào tại Séc) cám ơn UBND tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện và giúp đỡ đoàn trong suốt chuyến đi về thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như chia sẻ mong muốn về các cơ hội hợp tác với địa phương trong thời gian tới. Tại đây, ông Âu Văn Yên, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ba Lan đã thay mặt Hội gửi tặng 5 triệu đồng cho các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Bình.
Sau buổi làm việc, đoàn kiều bào đã đến thăm và tặng 40 triệu đồng cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đức Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trao những chiếc bánh, gói kẹo cho các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Trung tâm, ông Phạm Minh Tiềm, kiều bào ở Úc xúc động nói: “Không ngờ ngày hôm nay tôi có cơ hội được trở về thăm nơi ngày xưa đã từng tham gia chiến đấu và chúng tôi cũng rất cảm phục tỉnh Quảng Bình đã có một trung tâm chăm sóc nuôi dạy trẻ khuyết tật... như một hành động tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn kiều bào thăm và tặng quà cho Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đức Ninh, tỉnh Quảng Bình
Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn đã đến thăm động Phong Nha – di sản thiên nhiên thế giới. Phóng viên đã ghi lại một số hình ảnh trong chuyến đi này:
Chụp ảnh kỷ niệm tại bến vào động Phong Nha Kẻ bàng.
Trên dòng sông Son, đường vào động Phong Nha.
Chiều 11.4, đoàn kiều đến thăm Khu di tích Kim Liên nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đoàn kiều bào thăm quê ngoại Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Tự tay thắp hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác; ngắm nhìn, dạo bước trong khuôn viên khu di tích; thăm mái nhà tranh thôn quê gắn với cuộc sống nơi quê nhà của Bác Hồ và gia đình, ai cũng xúc động, tự hào về Bác, gia đình Bác, tự hào về quê hương đất Việt đã sinh ra Bác. Trong số kiều bào về thăm quê lần này, có người lần đầu tiên đến quê Bác, cũng có người đã may mắn 2-3 lần đến đây.
Chị Bùi Thị An, người đã sống ở Tây Ban Nha trên 35 năm, lần đầu về quê Bác, xúc động nói trong nước mắt: "Mình tự hào là người con của đất Việt, có Bác Hồ - vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng lỗi lạc."
Là kiều bào ở xa Tổ quốc, chưa lần nào được đến quê Bác nên chị mong sớm được tận mắt chứng kiến vùng quê nơi Bác sinh thành, gắn bó thời thơ ấu. Tận mắt thấy làng quê Việt Nam bình dị đã sinh ra một người con vĩ đại của đất nước, của dân tộc, chị rất xúc động và càng thêm tự hào về quê hương đất nước, về dòng máu Việt Nam.
Cùng chung tâm trạng như chị Bùi Thị An, bác Nguyễn Bá Thuận, 72 tuổi, trở về từ Đan Mạch, cũng rất xúc động, tự hào khi được đặt chân lên quê hương Bác Hồ, tận mắt thấy cuộc sống của Bác và gia đình.
Xúc động lắng nghe hướng dẫn viên tại quê nội Bác Hồ, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Bác Thuận cho biết đây là lần thứ 2 bác đến quê Bác Hồ. Lần đầu là từ năm 1996, ngày đó khu di tích Kim Liên chưa được khang trang, sạch đẹp như bây giờ. Bác Thuận vẫn nhớ những mái nhà, những hàng dâm bụt trước hiên nhà, nhớ mảnh vườn bên ngôi nhà đơn sơ ở quê ngoại, quê nội Bác, những ao sen trong làng Kim Liên. Sau nhiều năm trở lại, bác Thuận nhận thấy khu di tích Kim Liên và quê hương Bác đã đổi khác rất nhiều so với trước. Điều đó cho thấy sự đổi mới, đi lên của đất nước và kiều bào ở xa quê càng có trách nhiệm hơn với đất nước, quê hương.
Về quê Bác, đến thăm Khu di tích Kim Liên, kiều bào càng hiểu hơn về vùng đất sinh ra Bác, hiểu thêm về Bác, để càng tự hào hơn về đất nước, về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Dù đi khắp bốn phương, nhưng cội nguồn dân tộc, cội nguồn đất nước mãi mãi trong tim kiều bào, không gì lay chuyển.