Dân Việt

Ác mộng trên Ấn Độ Dương

09/01/2011 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Sự kiện tàu cá Đài Loan bị hải tặc Somalia bắt giữ cùng 26 thuyền viên, trong đó có 12 người Việt Nam khiến người ta thêm một lần nữa đặt câu hỏi: Cướp biển Somalia là ai? Làm sao tiêu diệt chúng?

Dù giới an ninh hàng hải quốc tế đã huy động một khối lượng thiết bị quân sự khổng lồ gồm nhiều tàu chiến, tàu tuần tra, trực thăng, radar… nhưng vẫn không thể ngăn chặn sự lộng hành của cướp biển Somalia. Nhiều năm qua, hải tặc vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất kỳ tàu bè nào qua lại ở vùng biển Ấn Độ Dương hoặc vịnh Aden.

img
Cướp biển Somalia tấn công tàu chở dầu Sirius Star ngày 15- 11- 2008.

Lôi kéo trẻ em làm hải tặc

Theo thống kê của Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB), cứ trung bình 10 vụ cướp xảy ra trên biển thì có tới 8,5 vụ do hải tặc Somalia gây ra. Lý giải cho điều này, người ta thấy rằng, Somalia hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo khổ nhất ở khu vực Đông Phi.

Ở nước này, đa số trẻ em sinh ra trong những khu nhà ổ chuột, lớn lên trên hè phố và rất nhiều thanh niên gia nhập băng đảng, các phe nhóm vũ trang hoặc trở thành… cướp biển khi bắt đầu nhận thức được tình trạng đói khổ của mình.

Chính phủ Somalia - vốn yếu ớt và bất lực trong việc kiểm soát tình trạng đói nghèo – lại càng chịu bó tay trước tình trạng cướp biển xuất phát từ các cảng của nước này để đi cướp những chiếc tàu đi ngang vùng biển ngoài khơi Somalia.

Để làm rõ hơn hiện tượng bất thường về hải tặc Somalia, phóng viên Hãng tin Mỹ AP đã liều mạng xâm nhập vào một trong những hang ổ của bọn cướp tại khu ổ chuột Galkayo. Sau nhiều ngày chui lủi để tránh bị hải tặc phát hiện, phóng viên này phát hiện nhiều trẻ em nam đã bị những kẻ tuyển mộ cướp biển “tẩy não”.

Trường hợp của Muse là một ví dụ điển hình. Trước khi bị bắt giữ và di lý sang Mỹ để đối mặt với bản án 6 năm tù giam vì tội cướp biển, Muse từng là một cậu bé ngoan, suốt ngày chỉ biết chúi mũi vào sách vở. Tuy nhiên chỉ trong một lần sao nhãng của người mẹ, Muse đã bị một nhóm thanh niên bặm trợn lôi kéo và làm cậu hư hỏng bằng những lời hứa ăn sung mặc sướng khi trở thành hải tặc.

Muse chỉ là một trường hợp đơn lẻ trong số hàng nghìn cậu bé bị dụ dỗ, mua chuộc đi theo con đường cướp bóc.

Ban đầu, cướp biển chỉ dám hoạt động loanh quanh ở vùng biển ngoài khơi Somalia chỉ vài chục hải lý, chuyên đánh cướp các tàu cá nhỏ lẻ và khi bị truy đuổi, chúng dễ dàng tháo chạy, lẩn trốn lên bờ. Những tên cướp được trang bị súng AK-47, xuồng máy và vài quả lựu đạn lúc mới “khởi nghiệp”. Nhưng khi việc làm ăn đã khấm khá, cướp biển Somalia đã trang bị hàng loạt vũ khí hiện đại, như súng phóng lựu, tên lửa cá nhân, canô có tốc độ cao và trở thành nỗi ám ảnh lớn cho tàu thuyền qua khu vực này.

Cái gì cũng cướp

Bắt đầu từ vùng biển Somalia, cướp biển đã vươn ra vịnh Aden (vùng biển nằm giữa Somalia và Yemen). Khi khu vực gây án truyền thống ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương bị lực lượng chống cướp biển quốc tế “chiếu tướng” quá gắt, cướp biển Somalia hiện đang mở rộng hoạt động sang phía Nam biển Đỏ cho tới ngoài khơi các nước Kenya, Tanzania, quần đảo Seychelles, thậm chí sang cả vùng biển Madagascar ở Ấn Độ Dương và Oman ở biển Arập.

Độ liều lĩnh của hải tặc Somalia được thể hiện từ việc đánh cướp chiếc tàu dầu siêu trọng của Ảrập Xêút mang tên Sirius Star, dài 333m, tải trọng 318.000 tấn và chở trên 2 triệu thùng dầu thô trị giá khoảng 110 triệu USD cùng 25 thủy thủ hồi tháng 11- 2008.

Vụ cướp xảy ra ở ngoài khơi Tanzania, cách thành phố cảng Mombasa của nước này 810km về hướng Đông Nam. Thời gian bọn cướp áp sát tàu dầu và tràn lên boong khống chế thủy thủ đoàn diễn ra chỉ trong vòng 16 phút.

Vụ cướp cho thấy hai điều: Bọn cướp tỏ ra hết sức tự tin và chúng vận dụng thuần thục chiến thuật “dương Đông kích Tây”. Trong khi các tàu chiến NATO, Mỹ, châu Âu trực chiến ở vùng vịnh Aden thì chúng đi xuống phía Nam tận Tanzania để làm ăn, tấn công con mồi lớn nhất từ trước tới nay.

Trước đó, năm 2008, cướp biển Somalia từng gây chấn động thế giới với vụ cướp chiếc tàu MV Faina của Ukraina, chở đầy xe tăng và vũ khí hạng nặng.

img
Trực thăng hải quân theo dõi canô của cướp biển Somalia.

Sau mỗi phi vụ cướp bóc thành công, hải tặc cầm trong tay hàng chục triệu USD tiền chuộc tàu và thủy thủ mà chủ tàu phải bấm bụng chi ra. Số tiền này được chúng tái đầu tư vào mua sắm vũ khí, thiết bị đi cướp và tuyển mộ thêm tân binh.

Tuy nhiên, chúng vẫn không bỏ được thói quen của những “tên cướp nhà nghèo”: Đó là cái gì cũng đánh cướp, mà vụ cướp tàu cá Shiuh Fu-1 của Đài Loan có 26 thuyền viên, trong đó có 12 thuyền viên Việt Nam mới đây nhất là ví dụ. Trong vòng 2 năm qua, hàng trăm tàu cá nhỏ qua lại ở Ấn Độ Dương cũng đã trở thành mục tiêu của cướp biển.

Quốc tế bất lực

Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á đang gia tăng sự hiện diện của tàu chiến ở ngoài khơi Somalia, tuyến hàng hải huyết mạch hàng năm có khoảng 21.000 chuyến tàu qua lại và chịu trách nhiệm vận chuyển 11% khối lượng dầu lửa của thế giới. NATO và hải quân Mỹ đã điều động hàng chục tàu chiến tại vịnh Aden và Ấn Độ Dương, trong khi hải quân Nga, Ấn Độ và Malaysia cũng đã đưa tàu đến điểm nóng này. Tuy nhiên ngần ấy tàu chiến như “muối bỏ biển” chẳng thấm vào đâu, nhất là khi chính phủ các nước thích giải pháp trả tiền chuộc để tránh đổ máu.

Lực lượng hải quân chống cướp biển Navfor thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết, cướp biển hiện đang giữ 26 tàu thuyền cùng 613 thủy thủ làm con tin.

NATO và Hải quân Mỹ thừa nhận rất khó phát hiện canô cao tốc của cướp biển và chặn đầu chúng. Các lực lượng này cho biết radar của họ vẫn phát hiện được những tên cướp biển đi rình mò trên biển và báo động cho các con tàu trong khu vực. Tuy nhiên, vùng biển quanh vịnh Aden quá rộng nên các tàu chiến không thể hộ tống mọi con tàu qua khu vực này. Khi đánh cướp xảy ra, họ cũng không kịp tới can thiệp.

Phó Đô đốc Mỹ Bill Gortney thừa nhận: “Thậm chí con tàu bị đánh cướp nằm chình ình trước mắt, nhưng lính đặc nhiệm không thể giải cứu vì hải tặc sẵn sàng bắn chết con tin”.

Các hãng tàu biển hiểu rằng lực lượng hải quân không thể có mặt ở mọi nơi mọi lúc để ngăn chặn cướp biển. Do đó tự phòng vệ hoặc thuê các hãng an ninh tư nhân là phương án tốt nhất. Để tránh làm mồi cho hải tặc ở những điểm nóng, các tàu hàng buộc phải đổi hải trình đi vòng qua mũi Hảo vọng của Nam Phi.

Con đường này xa hơn hải trình cũ đi qua vịnh Aden nối liền với biển Đỏ, Địa Trung Hải qua kênh đào Suez từ 12 đến 15 ngày, tốn kém hơn từ 20.000 đến 30.000USD/ngày, song lại an toàn. Đến nay, bọn cướp biển ít khi giết các con tin và số người chết là không nhiều.
Theo AP, The Guardian