Trong 5 năm qua, mặc dù GDP của Việt Nam tăng khá cao, bình quân 7%/năm, song chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế lại rất thấp. 2/3 tăng trưởng của Việt Nam là dựa vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư thấp. Tính chung thời kỳ 2006-2010, tỉ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam đạt mức gần 43%, cao hơn cả Trung Quốc những năm 1960-1980.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, Việt Nam phải bỏ ra 8 đồng vốn đầu tư mới tạo được 1 đồng tăng trưởng, trong khi theo tiêu chuẩn ở mức 3 mới được coi là phát triển bền vững.
Đổi mới thiết bị, công nghệ là yêu cầu cấp thiết đối với nền kinh tế (Ảnh minh họa). |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, hiện hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng ở mức rất hạn chế. Chỉ số kinh tế tri thức năm 2008 của Việt Nam chỉ là 3,02, xếp thứ 102 trong số 133 nước có khảo sát (các nước có thu nhập trung bình chỉ số này là 4,1). Tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô. Năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 38% của Trung Quốc và 27% của Thái Lan. Tiêu hao năng lượng, nhất là thất thoát năng lượng cao gấp rưỡi đến 2 lần các nước trong khu vực...
Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng thế giới, năm 2008 mức tiêu hao năng lượng của Việt Nam là 0,82kWh/USD-GDP, cao hơn các nước đang phát triển trong khu vực. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân và lối sống hưởng thụ, tiêu xài lãng phí vẫn còn phổ biến ở một bộ phận dân cư, nhất là ở đô thị. Số nợ hiện nay của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng và sẽ do các thế hệ tương lai hoàn trả, điều này có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với các cuộc khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, yêu cầu cải tiến khoa học kỹ thuật đang đặt ra những vấn đề cấp bách buộc Việt Nam phải thay đổi nếu muốn phát triển bền vững.
Theo ông Doanh, Việt Nam cần sớm đưa ra các chính sách, chỉ tiêu, chế tài và đòn bẩy kinh tế phát triển theo chiều sâu như yêu cầu đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào, năng suất lao động... “Nếu Việt Nam không thay đổi thì có thể ngay trong giai đoạn 2010-2020, VN đã trở thành nước nhập khẩu và phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu” - ông Doanh nói.
Mai Hương