“Bây giờ chúng tôi chỉ ở đây thôi”
Bản Nậm Pố nằm trong dự án tái định cư, là điểm quy hoạch dân cư lớn của huyện Mường Nhé. Được triển khai từ năm 2010, đến nay đường vào Nậm Pố đã được cải tạo nâng cấp, xe ô tô có thể ra vào thuận lợi. 359 hộ dân tộc Mông đã định cư ở 3 điểm bản Nậm Pố 1, 2, 3.
Đến thăm gia đình anh Vừ Chồng Phùa - Trưởng bản Nậm Pố cho biết: “Gia đình tôi từ Tủa Chùa di cư lên Mường Nhé đã được gần 10 năm, nhưng cũng xấp xỉ ngần ấy năm phải sống nay đây mai đó do không có đất ở ổn định, gia cảnh đói nghèo lắm”.
Từ khi được cấp đất ở, hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Phùa đã dựng được một căn nhà khang trang. Cuộc sống cơ bản đã ổn định, anh đã tập trung vào sản xuất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình, dần dần anh đã mở rộng quy mô, đến nay trong chuồng lúc nào cũng có 20 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán 2 lứa, bình quân cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm.
Chị Sùng Thị Cớp - vợ anh Phùa trước đây mỗi khi đi làm nương gặp rau gì ăn được thì hái về, đến mùa thì vào rừng hái măng... Bây giờ chị đã biết cách chăm sóc cho vườn rau nhà mình lúc nào cũng xanh tốt.
Ngôi nhà mới khang trang của anh Vừ Chồng Phùa.
Gia đình bà Vừ Thị Cái di cư từ huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La về đây đã được 4 - 5 năm. Trên mảnh đất này đã có những đứa cháu của bà chào đời. Bà Cái chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi ở mãi Sơn La, đất đai ít nên cũng đi nhiều chỗ lắm. Đến đây rồi, được Nhà nước hỗ trợ, cuộc sống mới tạm ổn. Được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ trâu bò để lấy sức kéo cày, lại có nhà ở, có điện sáng, có nước dùng, con cháu được đi học, ốm đau được khám bệnh, cho thuốc. Bây giờ, chúng tôi chỉ ở đây thôi”.
Còn nhiều việc phải làmAnh Mùa A Dế chuyển đến bản Nậm Pố 3 đã được hỗ trợ dựng nhà nên chỗ ở đã ổn định, nhưng gia đình anh vẫn chưa có đất sản xuất. Mặc dù đề án thiết kế thuỷ lợi để khai hoang ruộng nước đã có nhưng tiến độ triển khai vẫn còn chậm, nên gia đình anh vẫn chưa bắt tay khai hoang ruộng lúa được.
“Tôi về đây đã lâu, nhưng chưa có đất sản xuất, 2 năm nay tôi toàn đi cấy thuê nhờ của bà con người Thái. Năm nào được mùa cũng tạm đủ ăn. Nhưng mất mùa, một năm lại đói ăn 1 – 2 tháng. Mong rằng đề án hoàn thành đúng tiến độ, để gia đình tôi có đất sản xuất” - anh Dế chia sẻ. Nhiều hộ dân cũng đang rơi vào tình trạng giống như anh Dế.
Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015, sẽ sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 11.000 hộ dân; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 550.000 đồng/tháng; giảm số hộ nghèo từ hơn 77% năm 2011, xuống 52% năm 2015.
|
Theo ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 79, đến nay đã có 823/993 hộ đồng bào Mông thuộc diện phải sắp xếp di chuyển tập trung đã tự nguyện đăng ký di chuyển, tỷ lệ đạt 83%.
Về quy hoạch thì tỉnh đã phê duyệt được 40 điểm sắp xếp, ổn định dân cư, trong đó 26 điểm bố trí dân cư tập trung và 14 điểm bố trí dân cư tại chỗ. Về đầu tư cơ sở hạ tầng thì đã đầu tư 70 dự án, công trình như giao thông, thủy lợi, điểm trường và 21 dự án thành phần tại các điểm bố trí ổn định dân cư.
Tuy nhiên ông Đô cũng thừa nhận, tiến độ đề án tới nay còn chậm, mới chỉ triển khai được 1/26 điểm bố trí dân cư tập trung. Ông cho biết: “Một bộ phận dân cư chưa đăng ký đến điểm bản mới là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 79. Tại một số khu vực dân cư, cán bộ đến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đăng ký di chuyển, nhưng người dân lấy lý do không muốn rời xa nơi ở cũ, sợ đến nơi ở mới thiếu đất canh tác... Ngoài ra, một số địa điểm quy hoạch bản mới ít đất có thể sản xuất luân canh cũng là nguyên nhân khó vận động bà con về ở tập trung... ".
“Trong năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ người dân mới đến và dân sở tại. Tiến hành di chuyển sắp xếp 15 điểm bố trí dân cư tập trung, còn lại sẽ để sang năm 2015 tiếp tục hoàn thành” - ông Đô cho hay.