Dân Việt

Hình ảnh người Việt ngày càng lem nhem trong mắt người Nhật

Hơn một tuần trước, chúng tôi còn chưa hết xấu hổ vì chuyện tiếp viên Hàng không Việt Nam tiếp tay cho đường dây ăn cắp tại Nhật thì nay lại thêm một hình ảnh đáng buồn như thế này xảy ra nữa...

LTS: Sau khi đăng tải clip "Vác bọc tiền xu trả tiền siêu thị rồi đùa cợt" - được cho là do 2 du học sinh Việt Nam tại Nhật dàn dựng rồi ghi lại, báo điện tử Dân Việt đã nhận được những dòng thư chia sẻ từ một người Việt Nam, hiện đang sống tại Nhật Bản cùng gia đình... Dân Việt xin được đăng nguyên văn lá thư, như một góc nhìn của chính những người trong cuộc muốn gửi tới bạn đọc.

***

Khi được người bạn chia sẻ cho tôi thấy clip về hai thanh niên (được cho là du học sinh Việt Nam đã ở Nhật trên 6 năm), đi vào cửa hàng tiện lợi ở Nhật, cầm theo cả phong bì tiền 1 Yên ( tương đương 200 đồng) để thanh toán hóa đơn, rồi cố ý quay lại và cười như một trò vui, tôi cảm giác có một cục nghẹn chặn ngang họng. Một cảm giác chán nản và thất vọng khôn tả.

Hơn một tuần trước, chúng tôi còn chưa hết xấu hổ vì chuyện tiếp viên Hàng không Việt Nam tiếp tay cho đường dây ăn cắp tại Nhật, hay những thông tin đáng buồn như 40% các vụ ăn cắp ở Nhật do người nước ngoài gây ra có liên quan đến người Việt Nam, thì nay lại thêm một hình ảnh đáng buồn như thế này xảy ra nữa.

Hai thanh niên nọ, đã cố ý chọn nơi thanh toán là cửa hàng tiện lợi (combini) để diễn ra trò vui của mình, bởi họ biết chắc combini là nơi khách thường thanh toán hóa đơn mệnh giá thấp, mua đồ nhanh rồi ra nhanh, quầy thu ngân không có máy đếm xu tự động như các siêu thị lớn.

Sau khi bắt nhân viên thu ngân đếm tiền bằng tay miệt mài và thiếu tiền thanh toán, họ lại chìa ra tờ bạc mệnh giá 5000Y để bù vào số tiền bị thiếu. Những ai sống quen ở nhật, nhìn vào clip, vào cách nhân viên trả lại tiền, cách nói năng, cách cúi gằm đầu khi đếm tiền... đều có thể cảm nhận rõ sự nhẫn nhục và khó chịu của nhân viên thu ngân này.

img
Biển cảnh cáo bằng tiếng Việt tại khắp các siêu thị ở Nhật

Ở Nhật đòng tiền 1Y luôn được nâng niu trân trọng, nhưng cố ý dùng nhiều đồng 1Y để làm phiền người khác như thế này là hành động khó chấp nhận. Bạn hoàn toàn có thể đem đổi lấy tiền chẵn ở ngân hàng, hoặc tiêu khi đi siêu thị. Đồng thời họ quay clip lại cười đắc thắng như một trò vui - trong khi ở Nhật không ai người ta quay phim trong siêu thị hay những nơi công cộng, càng ko ai dí máy quay vào người khác mà ko xin phép. Hành động bất nhã đó như là sự xúc phạm đối với nhân viên bán hàng và càng bôi nhọ thêm hình ảnh người Việt Nam vốn đã ngày một lem nhem trong mắt người Nhật.

Hậu quả thì chính chúng tôi, những người đang cố gắng mỗi ngày để sống đàng hoàng ở xứ người, phải gánh chịu sự kỳ thị và nhục nhã. Chồng của tôi trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi và bực dọc nói, "Hôm nọ anh đi tìm em ở Kawachi (tên 1 siêu thị) thì gặp đồng nghiệp. Hôm nay anh ta nửa đùa nửa thật: "Anh ra tìm vợ ở cái siêu thị hay có manbiki (ăn cắp) ấy hả"...

Cô em gái học thạc sĩ ở Tokyo, tranh thủ đi học thêm một khóa tiếng Nhật thì thổn thức: "Thầy giáo hôm nay thông báo giữa lớp, cảnh sát Nhật mới bắt được người Việt Nam ăn cắp. Mình em là người Việt trong lớp, nhục nhã chỉ muốn độn thổ".

Và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa. Hai chữ "kỳ thị", có lẽ những người Việt Nam có tự trọng đang sống trên đất Nhật có thể hiểu rõ nhất

Nhưng cảm giác bị liên lụy có lẽ không lớn bằng cảm giác chán chường buồn tủi. Buồn tủi cho dân tộc mà đi tới đâu cũng mang tiếng xấu. Ngày càng nhiều cơ hội rộng mở với người Việt Nam sang đất Nhật để học hành, tu nghiệp và làm việc. Thay vì coi đây là cơ hội học hỏi, họ lại sa đà vào các trò gian lận trộm cắp, đá tàu đá xe, vốn rất dễ dàng ở một nơi con người sống dựa trên sự trung thực và tôn trọng pháp luật.

Tôi còn nhớ cách đây 4 năm khi sang Nhật, khi vào siêu thị không bao giờ thấy có cột báo hiệu ăn cắp dựng hai bên cửa, nhưng ngày nay đi siêu thị thì thấy chúng ngày một nhiều hơn. Nhà ga Ueno, khu vực sầm uất người nước ngoài nhất ở Tokyo, vài năm trở lại đây đã phải bố trí nhân viên ở các cửa soát vé để tránh tình trạng đá tàu, trốn vé...

Văn hóa ứng xử của người Việt tại nước ngoài không phải câu chuyện lần đầu tiên được đề cập tới, song dường như vấn đề này ngày càng trở thành nỗi nhức nhối khi số lượng người Việt ra nước ngoài làm việc và học tập mỗi năm thêm tăng mạnh.

Mới đây, thông tin có tới 40% tổng sốvụ chôm đồliên quan tới người nước ngoài tại Nhật là người Việt Nam càng khiến câu chuyện về văn hóa ứng xử của người Việt ở nước ngoài trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Quan điểm và sẻ chia của bạn về hiện tượng này như thế nào? Hãy bày tỏ cùng Dân Việt qua hòm thư baodanviet@gmail.com