Bản Cat Cat sát nách thị trấn nhưng phải nói là lên rừng xuống thác với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, đẹp như tranh, nhưng cũng hơi nao núng bàn chân.
Tuy vậy, qua cả tiếng đồng hồ la cà xem thổ cẩm, các thức trang sức do nghệ nhân H’Mông khéo tay chế tác bằng bạc, mái nhà lợp gỗ pơ mu, máng nước giã gạo…của người H’Mông, qua chiếc cầu Si nơi hội tụ của ba dòng suối Vàng, Bạc và Tiên Sa, chúng tôi như khỏe khoắn lại, ngồi ngay chân thác ăn rau cải Mèo, uống rượu táo Mèo, tìm về những giây phút chay tịnh thanh khiết.
Sắc màu Sapa.
Cải Mèo ở đây là loại cải lá nhỏ, viền xoăn như có gai, phớt lông tơ. Có cả loại cải trơn, nhưng không đậm đà bằng loại này. Cải Mèo do đồng bào vãi hạt, không cần chăm chút, mọc đầy nương rẫy, nó có sức sống mãnh liệt nhờ kết hợp được những tinh ba của sự hoang dại.
Tất nhiên, món ăn của chúng tôi là loại đơn giản nhất trong các món ăn có sự tham gia của cây cải Mèo mà đồng bào hay dùng như nhúng lẩu, nấu canh với thịt gà băm rối hoặc xào với thịt bò hun khói. Chúng tôi ăn kiểu hoang dại, nhổ ngay bìa rừng, rửa dưới dòng thác ngầu bọt trắng, vặn tay chứ không thái, nước đun sôi đập gừng bỏ vào, nhúng qua, một lá cải đăng đắng giòn giòn dai dai.
Nâng ly rượu táo Mèo lên, thơm ngây ngất hương vị của dãy núi Hoàng Liên Sơn đầy sương mù và tuyết, nơi những cây táo rừng hoang dại mọc trên bước thiên di của người H’Mông. Người H’Mông Sa Pa cũng là H’Mông Đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen vùng khác.
Đàn ông thường mặc quần màu đen hoặc màu chàm, áo cánh ngắn tay, bên ngoài khoác áo sát nách, đầu đội một cái mũ bé tí, tròn. Phụ nữ cũng mặc đồ đen, áo khoác không có tay, trên đầu đội một chiếc khăn đen, quần ngắn ngang đầu gối, bắp chân quấn xà cạp.
Rừng, suối ở Sa Pa.
Cái tên bản xa xưa giờ vẫn như in trong cây cải và giống táo ngâm rượu mà chúng tôi ngồi thưởng thức giữa lòng bản Cat Cat. Cây cải hay trái táo không phải là tất cả. Nhưng nó nói với chúng tôi rất nhiều về hương vị nguồn cội, về bản sắc bộ lạc, đắng cay ngọt bùi với lịch sử, với thiên nhiên, với đất nước nơi ngàn cao bóng cả.
Lào Cai có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều phong tục lạ, nhiều món ăn độc đáo. Chỉ riêng một Phan Xi Păng, nóc nhà Đông Dương 3143 mét, không có đỉnh nào khác của Việt Miên Lào đem ra để so sánh được, hay một Ô Quy Hồ dài năm mươi cây số “vua của các loại đèo”, cũng đủ làm nơi hội tụ của ngững tâm hồn yêu mây khát gió từ bốn biển năm châu đến Việt Nam.
Lưng đã quyết giành cho một chiếc ba lô, mắt đã chọn cho những ngàn trùng xác định được đẳng cấp của sự hòa quyện vào lòng thiên nhiên. Chỉ riêng một vườn quốc gia Hoàng Liên đã nghe ngây ngất bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng; đã thú vị với những loài chừng như có tên trong sách đỏ là vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má, đại bàng đốm to, trĩ mào đỏ, chim hét mỏ vàng…
Nhà cửa ở bản Cat Cat.
Chỉ riêng một cái tên Sa Pa cũng là một sự quyến rũ, với chợ tình âm vang tiếng sáo tiếng khèn, đồng bào xa tới sớm từ đêm thứ bảy vui chơi chờ sáng mai phiên chợ chủ nhật. Đi đâu đến đâu, vui nhất là gặp người cùng hội cùng thuyến, không câu nệ khách sáo, trò chuyện đã đời.
Lên Sa Pa, gặp vợ chồng GSTSKH Tô Ngọc Thanh, GSTS Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS Nguyễn Xuân Đức, PGS.TS Lê Hồng Lý, vợ chồng TS Trần Hữu Sơn, món gì ngon nhất từ đỉnh ngàn tới lòng suối đều được mang ra. Bên bữa ăn, những câu chuyện về văn hóa bản địa luôn cuốn hút chúng tôi.
Từ thực tiễn địa phương, các nhà khoa bảng nâng lên tầm học thuật. Nhà thơ Lê Minh Thảo và nhà văn Đoàn Hữu Nam cùng lãnh đạo Công ty In lại chiêu đãi một bữa ra trò với cá hồi cá tầm, các thức nướng đặc sản, ríu rít các loại “ngồng”: ngồng tỏi, ngồng cải, ngồng su hào, ngồng su su; nửa chừng lại lôi trong ba lô ra món thịt trâu hun khói, đặc sản Yên Bái, đóng góp vào cuộc tiệc.
Trong niềm vui, giữa non cao nước cả dấy lên, cười tràn cung mây, tưng bừng như trong ấy có một chút “Gầu tào” của người Mông, một chút “Tết nhảy” của người Dao, một chút “Xuống đồng” của người Dáy, một chút “Mừng được mùa” của người Xá Phó, một chút “Hát then” của người Tày… Tất cả được thể hiện trong một đĩa DVD với nhiều bài hát trữ tình do nhạc sĩ Trần Viết Bính sáng tác, sau đó khi về nhà ông thực hiện và gửi tặng tôi.
Khi nghe đến những giai điệu và ca từ vang mùi chợ tình, mùi hò hẹn, mùi trở lại tìm em của nhạc sĩ lão thành, tận thâm sâu tôi chợt bừng thức những tình cảm giản phác không thể quên. Như cải Mèo. Như táo Mèo. Nhẹ nhàng. Và mãnh liệt.