Theo
Tạp chí quân sự Jane’s,
Không quân Mỹ (USAF) hôm 8.4 đã chính thức đưa vào trang bị tên lửa hành
trình tầm xa thế hệ mới AGM-158B JASSM-ER do Tập đoàn Lockheed Martin
chế tạo.
Trong ảnh là một chiếc B-1 đang phóng thử nghiệm tên lửa JASSM-ER.
Những quả tên lửa JASSM-ER đầu tiên đã
được chuyển đến căn cứ Không quân Dyess, ở Texas. Không quân Mỹ không
công bố thời gian cụ thể JASSM-ER được triển khai ở Dyess mà chỉ cho
biết các tên lửa trên được chuyển tới căn cứ này trong thời gian gần
đây.
Việc đưa vào trang bị JASSM-ER đã đánh
dấu sự kết thúc quá trình phát triển và thử nghiệm kéo dài gần một thập
kỷ của loại tên lửa tầm xa này.
JASSM-ER là phiên bản nâng cấp của hệ
thống tên lửa AGM-158A JASSM, phạm vi tấn công hiệu quả của JASSM-ER cao
hơn gấp nhiều lần so với JASSM. Nó có thể thực hiện các cuộc tấn công
tầm xa với các máy bay ném bom chiến lược B-1 và hoàn toàn nằm ngoài
phạm vi tấn công hiệu quả của các hệ thống phòng không hiện đại nhất
trên thế giới hiện nay, kể cả hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga.
Nhờ có kích thước nhỏ gọn cũng như khả
năng hạn chế hấp thụ sóng radar và hồng ngoại, bay ở độ cao cực thấp,
hệ dẫn đường quán tính chính xác, được trang bị hệ thống định vị GPS có
khả năng chống nhiễu và đầu dò hồng ngoại tự động, JASSM-ER có thể tiêu
diệt chính các hệ thống phòng không hay các mục tiêu cố định khác trên
mặt đất. Ngoài ra tên lửa này còn có thể thay đổi khi bay giúp việc tác
chiến của nó trở nên dễ dàng hơn.
JASSM-ER có thể sẽ trở thành vũ khí tương lai của Không quân Mỹ.
Hiện tại, JASSM-ER chỉ
được tích hợp để trang bị trên các máy bay ném bom B-1B Lancer, nhưng
Không quân Mỹ đang có kế hoạch trang bị loại tên lửa này trên các dòng
máy bay khác của mình như F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon và
máy bay ném bom B-52H. Trong tương lai là các máy bay chiến đấu thế hệ
thứ 5 là F-22 và F-35.
Tên lửa không đối đất tầm xa JASSM-ER,
có phạm vi tấn công hiệu quả gần 1.000km, được trang bị một động cơ
phản lực turbo F107-WR-105, có trọng lượng gần 1 tấn và dài 4,27m. Nó có
thể đạt tới tốc độ cận âm sau khi được thả khỏi máy bay.