Sông Đà được ví như dòng sông mẹ sinh ra các bản mường bên bờ phù sa, ghềnh thác. Sau khi ngăn sông tích nước, tuy không còn giữ nguyên diện mạo cũ nhưng thay vào đó lại hình thành một cuộc sống sông nước bình lặng hơn như giữa một biển hồ trên núi.
Trước đây, người dân vùng núi cao như Đà Bắc, Cao Phong chỉ quen với làm nương, săn bắn. Nhưng từ khi có lòng hồ, bà con đã làm quen dần với nuôi cá bè, hay đánh cá. Đặc biệt là cách họ vận dụng những kinh nghiệm chế biến các món ẩm thực, vận dụng các loại gia vị của núi rừng vào việc chế biến các món ăn độc đáo như món cá nướng lòng hồ.
Cá nướng lòng hồ.
Loại cá trắm trắng được nuôi trên sông vốn chỉ ăn các loại thức ăn trong tự nhiên nên mình dài, thon lẳn, khác hẳn cá nuôi trong ao. Khi được bắt lên, những chú cá còn tươi nguyên khoe chiếc bụng rỗng được rửa sạch bóc hết nội tạng và ướp muối.
Thấy cũng chẳng có gì đặc biệt, tôi cất lời hỏi thì được bác chủ thuyền giải thích: Đây là loài cá phổ biến nhất ở vùng lòng hồ. Thịt cá tuy không béo ngậy nhưng lành. Hơn nữa lại là một vị thuốc độc đáo với người dân vùng sông nước. Dần dà tôi mới biết món cá có tác dụng tốt cho sức khỏe vì thịt cá có vị ngọt, mang tính ôn, bổ khí huyết, tỳ, vị. Chữa bệnh ăn uống kém, người gầy yếu mệt mỏi, khí hư nhược. Thậm chí còn có tác dụng trị tê, sốt rét, hư lao, đau đầu…
Được một lát, khi cá đã ngấm muối và rấm thanh ở cả bên trong và bên ngoài, bác đem cá nướng trên than đỏ và điềm tĩnh kể về những kì tích sông nước một thời. Khi thân cá đã xém vàng (vì mình cá mỏng nên chín rất nhanh), bác đem gỡ cá ra đặt lên đĩa, hái thêm ít lá sung, lá lốt rồi đem làm thức chấm bằng muối ớt, hạt dổi mời khách thưởng thức.
Trong vị ngon của món ăn có vị ngọt của thịt cá, vị mặn của muối, vị thơm của lá sung, dạt dổi và đặc biệt khi ta được biết món ăn này rất có lợi cho chặng đường sông nước đi thăm thú động thác Bờ và những hòn đảo của một “Hạ Long trên cạn” mới thật thú vị. Bởi lẽ, vị cá ấm áp sẽ làm ấm lòng du khách nhưng ngày du xuân trên mảnh đất này.