Là một nhà nghiên cứu sâu sắc về Nga và các nước SNG ông có bình luận gì về những thay đổi chóng mặt ở Ukraine trong những ngày qua?
- Tình hình ở Ukraine diễn biến rất nhanh và rất khó lường. Có thể nói sau hơn 20 năm tuyên bố độc lập (24.8.1991) đây là thời khắc khó khăn nhất mà người dân Ukraine phải nếm trải. Và, ở thời điểm này thật khó để đưa ra bất cứ dự đoán chính xác nào về chính trường Ukraine, bởi nó đang thay đổi từng giờ và luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ khó dự đoán.
Tôi còn nhớ, năm 1991 lúc Ukraine tuyên bố độc lập - sự kiện góp phần làm cho Liên Xô tan rã. Thời điểm đó tôi đang ở Kiev và Lvov, chứng kiến dân chúng vỗ tay, hân hoan vui mừng. Lúc đó, tôi tự hỏi, những công dân cũ của Liên bang Xô Viết sẽ được những gì khi độc lập? Thấm thoắt đã hơn 20 năm…Từ năm đó đến nay, Ukraine được cũng nhiều và mất cũng nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu về Nga và SNG thuộc Viện Nghiên cứu Châu Âu .
Vấn đề của Ukraine là mâu thuẫn vốn có, lâu năm Đông-Tây: Phương Tây - Liên bang Xô Viết, phía Tây & phía Đông ngay trong chính Ucraina. Người dân phía Đông có nhiều gắn kết với Nga không chỉ ngôn ngữ, dân tộc, lịch sử, văn hóa, kinh tế…trong lúc người phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga và muốn đi về hướng khác cụ thể ở đây là châu Âu (EU).
Vùng phía Tây gần gũi với Châu Âu về nhiều mặt về văn hóa, xã hội nhưng lại ít cơ sở kinh tế hơn phía Đông giáp Nga và cơ hội tìm việc làm cũng khó hơn phía Đông. Người dân ở đây muốn gia nhập EU với hy vọng để có nhiều cơ hội trong cuộc sống, chẳng hạn như tìm kiếm việc làm ở 26 quốc gia nằm trong khối Schengen. Gia nhập EU có thể là xu thế chung cho Ukraine hiện nay nhưng đặt ra cho Ukraine rất nhiều vấn đề nan giải, chẳng hạn thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ sở vật chất hạ tầng… sao cho tương thích với EU.
Vấn đề này không thể ngày một ngày hai và chắc chắn đòi hỏi rất nhiều tiền mà bản thân Ukraina không thể kham nổi. Liệu EU có sẵn lòng mở gói hầu bao cho Ukraina vay như Nga đã, đang và sẽ cho Ukraine vay? Điều này không ai dám chắc bởi bản thân EU cũng đang chật vật để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của chính mình.
Ở đây tôi không đề cập những yếu kém của nền kinh tế cũng như ban lãnh đạo mà đứng đầu là Tổng thống Viktor Yankovych nhưng quyết định ký với Nga, theo quan điểm của tôi là một giải pháp tình thế, mang tính thực dụng cao, giúp Ukraine sớm ổn định kinh tế-xã hội và đất nước tránh khỏi sư chia cắt, sự phân liệt Đông - Tây, thậm chí ngăn ngừa đổ máu lớn.
Thưa ông, sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich bị phế truất, cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng Nga sẽ đem quân sang Ukraine can thiệp nhằm khôi phục chính phủ thân Matxcơva, ông nhận định như thế nào về khả năng này?
- Nga không dễ dàng để Ukraine rời khỏi ảnh hưởng và lợi ích cốt lõi của mình. Đó là thực tế. Tuy nhiên, khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine là rất thấp, nếu như có thể nói là không thể. Nga không khoanh tay đứng im, chắc chắn sẽ can thiệp, nhưng theo cách riêng của họ. Còn cách thức đủ khôn ngoan như thế nào, chúng ta hãy chờ xem.
Ông nhận định như thế nào trước ý kiến cho rằng: “Có những điềm báo rằng “Mùa Xuân Ả Rập” ở châu Phi và Trung Đông đang dịch chuyển về Đông Âu?
- Đây là câu hỏi rất thú vị. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các cuộc cách mạng “màu”, “mùa” ở châu Phi và Trung Đông đang dịch chuyển về Đông Âu. Có lẽ ngược lại mới đúng. Sự thật là những cuộc cách mạng màu ở Đông Âu và các nước trong Liên Xô cũ như Ukraine, Gruzia, Kyrgyzstan…rất sớm và có thể là “nguồn cảm hứng” cho Châu Phi và Trung Đông.
Sự sụp đổ của LB Xô Viết và các nước XHCN ở Đông Âu đã sản sinh ra hàng loạt cuộc cách mạng “Màu” ở các nước: Ba Lan, Hungary, CHDC Đức, Bungary, Tiệp Khắc, Romania cuối thế kỷ XX hay Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraine (2004), và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005). Về cơ bản, các cuộc cách mạng này tương đối “thuần khiết” không có bạo lực vũ trang và là hình mẫu để có thể mở rộng ra các chế độ phi cộng sản phù hợp với lợi ích của phương Tây.
Nếu như “cách mạng mùa thu” là việc sử dụng rộng rãi các chiến dịch của lực lượng đối lập, kích động quần chúng chống lại chế độ đương quyền, gây áp lực đòi có sự thay đổi. Romania là nước Đông Âu duy nhất bị lật đổ chế độ bằng bạo lực, sự kiện Thiên An Môn (Trung Quốc) không thành, nhưng Bức tường Berlin sụp đổ là sự ghi nhận thắng lợi lớn của phương Tây vào năm 1989.
Các cuộc “cách mạng màu” có đặc trưng chung là đông đảo quần chúng, sinh viên, các tổ chức phi chính phủ tham gia với phương thức biểu tình lớn, dài ngày lúc đầu là đấu tranh bất bạo động nhằm lật đổ các chính thể mà họ cho là tham nhũng, độc tài và trong một số trường hợp còn kết hợp với sự hỗ trợ bên ngoài, tạo dựng phái đối lập và dùng vũ lực để thay đổi chính quyền. Và phương Tây đã được xác định là người khởi xướng và đứng sau các cuộc “cách mạng mầu” nói trên.
Xu thế đòi hỏi dân chủ, công bằng xã hội là tất yếu. Tuy nhiên, những cuộc gọi là “cách mạng” gần đây ở các nước Ả rập, Châu Phi, Trung Đông và hiện nay ở Ukraine, mang tính bạo lực và bắt đầu có những yếu tố tôn giáo quá khích hay của các phần tử khủng bố, thực sự dẫn đến sự chao đảo các chính trường, đầy rủi ro, nguy hiểm khó lường mà Ukraine là một ví dụ nóng hổi trong không gian hậu Xô Viết.
Xin cảm ơn ông!