Hôm qua 18.2, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 2014-2015 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Báo cáo tình hình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2013 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN; tổng số DN cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 DN.
Mặc dù số lượng DNNN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn này đạt thấp so với kế hoạch song các DNNN đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ.
Vốn nhà nước đầu tư vào DN tiếp tục được bảo toàn, phát triển từ 700.000 tỷ đồng năm 2010 lên 810.000 tỷ đồng năm 2011, 1.019.000 tỷ đồng năm 2012 (bình quân tăng 15%).
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhiệm vụ chung tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 được xác định là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.
Theo Thủ tướng, giai đoạn này sẽ hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. "Chúng ta sẽ phải tăng cường vai trò quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu; kiện toàn cán bộ quản lý; thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo xác định cần sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; số lượng, bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ quản lý chủ chốt; hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...
Theo các đề án đã phê duyệt, năm 2014-2015 sẽ tiếp tục cổ phần hóa 432 DN, bình quân mỗi năm 216 DN. "Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi được thực hiện tốt" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của tiến trình tái cơ cấu giai đoạn này là đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ làm cơ sở để thực hiện; giải quyết cho được những vướng mắc trong thoái vốn; xây dựng lộ trình chặt chẽ, khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả; thực hiện sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trước mắt đối với ngành công nghiệp, thương mại, giao thông, xây dựng...