Dân Việt

Thế giới diệu kỳ của ngựa

Hải Tâm (Trang Trại Việt) 01/02/2014 12:45 GMT+7
Ngựa đã trải qua quá trình tiến hóa từ 45 đến 55 triệu năm và là một trong những loài vật được con người thuần hóa sớm nhất. Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, chúng tôi xin giới thiệu một số điều thú vị về loài vật đặc biệt này.

Nguồn gốc

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngựa (tên khoa học: Equus caballus) là một phân loài động vật thuộc bộ Guốc lẻ, một trong số 8 phân loài còn sinh tồn cho tới ngày nay của họ Equidae. Ngựa đã trải qua quá trình tiến hóa từ 45 đến 55 triệu năm để từ một dạng sinh vật nhỏ với chân nhiều ngón trở thành dạng động vật lớn với chân một ngón như ngày nay.

img

Tuổi thọ

Tùy thuộc vào giống, sự quản lý và môi trường, thức ăn, nước uống…, ngày nay ngựa có tuổi thọ khoảng 25- 30 năm. Con ngựa sống thọ nhất có thể kiểm chứng là “Old Billy”, một con ngựa sống trong thế kỷ 19 với tuổi thọ là 62 năm. Hiện nay, Sugar Puff, con ngựa được liệt kê trong Sách Kỷ lục Guinness như là con ngựa pony già nhất còn sống trên thế giới, đã chết ngày 25 tháng 5 năm 2007 ở độ tuổi 56.

Sinh sản

Ngựa cái mang thai kéo dài khoảng 335-340 ngày. Ngựa thường sinh một. Ngựa con có khả năng đứng và chạy một thời gian ngắn sau sinh. Ngựa bốn tuổi được coi là là ngựa trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến khi sáu tuổi, thời gian hoàn thành sự phát triển của ngựa cũng phụ thuộc vào kích cỡ của ngựa, giống, giới tính và chất lượng chăm sóc.

Nuôi dưỡng

Con người bắt đầu thuần dưỡng ngựa vào khoảng 4000-4500 trước Công nguyên, và người ta tin rằng ngựa đã được nuôi phổ biến ở châu Âu vào khoảng 3000 trước Công nguyên. Ngựa chiến được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh, nhất là chiến tranh thời cổ.

Khổng lồ và tí hon

img

Với chiều cao 2m tính từ chân tới vai và cân nặng tới 1,27 tấn, chú ngựa Poe (ảnh) là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu chú ngựa cao nhất thế giới. “Gã khổng lồ” này được chăm sóc bởi cô chủ Shereen Thompson tại một trang trại ở Tupperville, (Ontario, Canada). Những con ngựa cùng giống với Poe thường chỉ cao 1,6m. Trong khi đó, Poe cao hơn 2m. Còn khi Poe ngẩng cổ lên, chiều cao đo được từ móng tới đỉnh đầu sẽ là 3m. Mỗi ngày, chú ăn 2 kiện cỏ khô, 4,5kg ngũ cốc và uống tới… 284 lít nước. So với con ngựa ở Texas được ghi trong sách kỷ lục thế giới Guinness, Poe còn cao hơn 5 cm.

Trên thế giới từng ghi nhận rất nhiều cá thể ngựa tí hon đến mức khó tin. Một trong số đó là loài ngựa Mirature - được coi là loài ngựa nhỏ nhất thế giới, chỉ cao từ 35 đến 47cm. Một trong số đó là chú ngựa tí hon có tên là Einstein (ảnh, được đặt theo tên nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein). Chú ngựa tí hon chào đời vào tháng 4 năm 2010 tại một trang trại ở New Hampshire, Mỹ với cân nặng chỉ 2,7 kg, được xác nhận là chú ngựa nhỏ nhất thế giới vào thời điểm đó. Cho đến khi gần 1 tuổi, ngựa Einstein mới chỉ cao có 20 inch (khoảng 51cm). Einstein thậm chí còn nhỏ hơn một quả bóng đá.

img

Bí ẩn bộ lông ngựa vằn được giải mã

Các nhà khoa học đến từ Trường Royal Holloway thuộc Đại học London (Anh) và Đại học Queensland (Australia) đã phát hiện bằng chứng cho thấy, ngựa vằn châu Phi đã sử dụng các sọc trên bộ lông để làm lóa mắt những kẻ thù săn mồi. Theo họ, các sọc trắng - đen xen kẽ trên bộ lông có tác dụng tạo ra ra ảo giác che giấu cử động của một con ngựa vằn và bảo vệ nó trước việc bị tấn công.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình máy tính nhằm kiểm nghiệm giả thuyết của họ. Kết quả cho thấy, các sọc trên bộ lông ngựa vằn không chỉ gây rối cho những động vật săn mồi lớn như sư tử, mà còn có ảnh hưởng đối với cả ruồi và sâu bọ. Các giả thuyết khác về chức năng của các sọc vằn này là những tín hiệu giao tiếp cộng đồng hoặc lớp ngụy trang lúc bình minh và chạng vạng ở môi trường sống đồng cỏ.