Dân Việt

Hồn nhiên cách gọi trong dân gian xứ Nẫu

Nguyễn Thanh Mừng 20/04/2014 07:45 GMT+7
Dân chúng đầu nguồn cuối bể thường hồn nhiên chất phác gọi tên các sự vật hiện tượng “nhạy cảm”, như thấy loài nhuyễn thể giống “vòng 1” phụ nữ, gọi mỹ miều “ốc vú nàng”, giống … “vòng 3” gọi ráo hoảnh “ốc…”.
Chưa hết, nghe nhà văn Nguyễn Quang Lập nói ở quê bọ, món cháo hàu gọi trụm lủm là cháo “l… ngâm”. Cái con “ốc l…” này được nhà sử học lừng lẫy Xứ Nẫu Tạ Chí Đại Trường cho biết nó còn được chôn theo các trống đồng của nước Ðiền ở Vân Nam. Cái l… kỷ lục nhất có lẽ là trạm “L…Voi”, một địa danh được phản ánh trong trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Xứ Nẫu Nguyễn Mộng Giác.

img
Tát nước gầu sòng.
Phải nói, những cái tên có vẻ “nhạy cảm” nhưng không làm chùn ngòi bút hàn lâm khi nói về tinh khí con người với các tên bung biêng từ kiếp nảo kiếp nao.

Trong ngôi nhà xưa bốn mái trang trọng, ở hai đầu hồi nơi tiếp giáp của các mái, hình tam giác gọi là “khu đĩ” (giữa thường có hình chiếc chày và cái cối biểu tượng sinh thực khí), bùa dán lên đó gọi “dán bùa…mèo”, vụ này đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của các học giả khả kính, như Huỳnh Tịnh Của, như Trương Vĩnh Ký, như Lê Văn Đức, như Vương Hồng Sển… đưa lên cả tự vị từ điển quốc gia, rồi khảo luận ở tầm …thiên niên kỷ.

Kẻ bảo do chữ “thu kỷ” (cột rường xiên trính), người nói do chỗ chim cu thường làm tổ “cu đẻ”… Chưa thể thanh thỏa được bí danh “khu đĩ,…mèo”. Có người còn tìm về “họ hàng…” mục đích truy gốc gác đồng hương với các con thoi trên khung cửi mang “bút danh” "lá tre", "lá vông",… và kiểu cổ tên gọi "... trâu" trên chiếc áo bà ba.

img
Chèo thuyền trên đầm Châu Trúc.

img
Bừa ruộng ở Trà Bình.
Chưa nguôi tình lý, ai đó lại còn nổi hứng tìm nhân vật cùng chí hướng. Dân gian ta vô tư ra biển thấy con đồn đột gọi gọn lỏn là “c…đất”, gò bãi ló lên cái lòm lom của loài dứa dại gọi “c…dứa” (cùng “họ hàng nhà c”… có “c…bần”, “c…mắm” một bộ phận rễ ngoi lên dựng đứng của cây bần cây mắm, đã đi vào câu: “Nước rặt c…bần run lẩy bẩy- Sóng dồn l…lái nảy lanh canh”, hoặc : “Sóng dồn dái mít giãy tê tê”); rồi “cà dái dê”…

Đa số các cách gọi của dân gian ta như vậy đều là tên những món ăn, đậm đà bản sắc dân tộc, như dái mít ép cối đá chấm muối ớt, bí đỏ xỏ cọng dừa hàng chùm quay than hồng, cà dái dê nướng dầm mắm tỏi… là nguồn cảm hứng của bao nhiêu danh sĩ, khi công thành danh toại chốn kinh kỳ bỗng dưng nhớ về hình ảnh thuở hàn vi chăn trâu cắt cỏ.

Còn cháo l… ngâm giải say, ốc l… um gừng, c…đất trộn gỏi hay chưng cách thủy, ốc vú nàng… ngâm rượu thành đặc sản khiến vua chúa cũng từng ngả mũ kính chào, ra chiếu chỉ cung tiến. Nói về vua chúa, nhớ chuyên luận công phu và đặc sắc “Sex và triều đại” của nhà sử học lừng danh Tạ Chí Đại Trường, trong đó, ngoài trăm thứ ở chốn hoàng cung, nơi thờ tự, ông còn có những khảo cứu tuyệt chiêu về cái “giống giữa, tôi đòi và quyền lực”, tức các hoạn quan sau bức rèm chính sự, tất cả ánh ỏi từng thời đại cũng như xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc.

img
Mùa gặt lúa Xứ Nẫu.

img
Bầy dê núi Bà.
Về chuyện tên gọi, miền Trung trong đó có Nam Trung bộ, có Xứ Nẫu cũng hơi bị đậm đặc các tượng đá phù điêu linga yoni, sinh thực khí con người. Trong điêu khắc kiến trúc Chăm-pa, trên đền tháp, thiêng liêng, chỉ sự khởi nguyên, duy trì và tiếp tục của năng lực sáng tạo, sức sống hoàn vũ, từ tâm linh đến trần thế.

Ngọn núi thiên nhiên với cột Đá Bia hùng vĩ được xem là Linga-parvatha (Tối linh Dương Vật) bên cạnh Yoni Vũng Rô hoành tráng và mỹ miều! Cái chuyện thờ linga- yoni là chuyện văn hóa Ấn Độ, rộng hơn là Đông Nam Á, Nam Á. Mà tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ cũng hết sức lộng lẫy tưng bừng hình tượng đực cái, trống mái, “chày, cối”, “nõ, nường”.

Trên trống trên thạp trong nhà, hay ngoài đền ngoài miếu, cả thiên nhiên được thu về trong quan niệm âm dương, giao hòa trời đất, núi sông… Ngay trên báu vật văn hiến của dân Việt, nắp thạp đồng Đào Thịnh là bốn cặp đôi đang giao hoan mùi mẫn với các bộ sinh thực khí cách điệu thật dũng mãnh kiên cường, tư thế của những anh hùng kiệt hiệt trên sa trường…"chăn gối".

Ở lễ hội như lễ hội Tứ Xã (linh tinh tình phộc), trai gái dùng “nõ” là biểu tượng dương tính tạo tác bằng gỗ, thường là gỗ xoay hay công và “nường” là biểu tượng âm tính thường làm bằng mo cau vẽ vôi và mực tàu, cả một cặp gọi là "kén". "Cái sự làm sao? - cái sự làm vầy! - cái sự thế nào? - cái sự thế này!" là những câu hát của đôi trai gái chọc nõ nường vào nhau dưới sự điều khiển của ông chủ tế, trong “lễ mật” lúc 0 giờ, sau đó, tắt đèn dựng nên cuộc “tháo khoán”, sinh linh nào hoài thai trong đêm này làng trọng vọng vì chứng tỏ thần linh phù hộ độ trì, cho khai hoa nở nhụy!

Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam, bên cạnh địa hạt tín ngưỡng, các sinh thực khí nam nữ còn là gia sản của người bình dân, trong kho tàng “văn hóa dân gian” của họ, như thói quen xưa nói “đồ miệng quan trôn trẻ”, “đồ mặt mo”, “máu què”,…

img
Chở rơm về nhà.
Ở Xứ Nẫu, khi sấm chớp ì ầm thì có nhà nông chống cuốc nhìn mây, sảng khoái đọc “Trời mưa trong núi mưa ra- Chín thằng lỏ c…, ông cha là mười”. Bình thường, đơn giản, không để ý giới “hàn lâm” lần đầu nghe, chẳng há hốc mồm cũng ngửa mặt cười rũ rượi.

Xin các hoàng hậu công nương phi tần mỹ nữ đừng đỏ mặt, vì bà mẹ quê chân lấm tay bùn vĩ đại thấy chuyện đó đã tỏ thái độ mắng mỏ chồng con rồi: “Bà mẹ ngó dẫy tức cười- Lỏ chi lỏ dữ chín mười cha con!” . Sau câu mắng của bà mẹ hiền thục, thế nào ông cha và chín đứa con cũng thôi cái trò “khỏa thân tập thể” giữa đồng kia, lo cun cút về nhà xách nơm đó lưới lờ chạy đi đơm cá, kiếm chút thức ăn tươi trời ban trong cơn mưa ập đến mát đồng mát ao.

Thật ra, người lao động khổ nhọc thích tìm một tiếng cười, cười đơn giản đấy rồi sâu sắc đấy, trong những thời đoạn đầy nhiễu nhương bất trắc thì tiếng cười ấy càng nhiều cung bậc. Xem ra, cách gọi trong dân gian đâu chỉ là hình tượng tính dục, nó bao gồm cả nghĩa trọng nghìn non “đêm nằm, năm ở”. Cái tiếng gọi tình ở Xứ Nẫu lắm núi nhiều đèo, đò giang cách bức đã vừa bao la thăm thẳm, vừa thân mến gụi gần trong câu “Một mai ai chớ bỏ ai - Chỉ thêu nên gấm sắc mài nên kim” kia mà!

XEM THÊM
>> Những món ăn của "núi Vọng Phu" ở Bình Định
>> Những bậc lão trượng nơi đất võ
>> Những "ngọc nữ" rượu ngon, thơ hay và giỏi võ
>> Tây Nguyên nõn nà trong gỏi lá Kon Tum