Dân Việt

Kho lúa độc đáo của đồng bào các dân tộc

Nguyễn Văn Sơn 11/03/2014 09:38 GMT+7
Kho lúa là nơi cất giữ, bảo quản hoa màu, lương thực. Hầu hết các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam hiện nay vẫn còn bảo tồn loại hình kiến trúc nhà kho này.
Đến nay, người ta biết đến miền núi Quảng Nam gồm các dân tộc thiểu số sinh sống như: Cor, Xơđăng (gồm các nhóm: Cadong, Mơnâm, Xơteng...), Cơtu, Giẻ Triêng (gồm các nhóm: Ve, Bh'noong, Tàriềng, Giẻ, Triêng).

Từ người Cơtu ở 3 huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, người Xêđăng trên đỉnh Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My và người Cor ở huyện Bắc Trà My đến người Bh'noong ở Phước Sơn, người Ve, Tàriềng ở huyện Nam Giang đều tồn tại các loại nhà kho.

img
Kho thóc của đồng bào dân tộc Cor thôn 3B, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
Thoạt nhìn, nhà kho của các dân tộc miền núi Quảng Nam có hình dáng như ngôi nhà ở thu nhỏ. Tùy vào từng dân tộc mà nhà kho lớn hay nhỏ, sàn cao từ 1,5- 2m; rộng từ 1,5- 2m; dài khoảng 2,5m, cao khoảng 1,5m. Mái nhà kho dốc xuôi đến tận mép sàn với mục đích chống ẩm, côn trùng và chống cháy.

Kho thường được dựng trên 1 hoặc 4 cột chịu lực. Nguyên liệu chính là gỗ, mây, tre, nứa, tranh... khai thác từ núi rừng vây quanh. Sàn được lót bởi nhiều lớp tre đan, vách vây kín thành vòng tròn bằng những tấm đan lớn. Nhà kho thường chỉ có một cửa nhỏ vừa đủ thân người được cài bằng cửa sập kín. Khi muốn đưa thóc vào hay lấy ra, đồng bào dùng một cái thang nhỏ để leo lên. Sau khi làm xong việc, họ gỡ thang ra và gác lên giàn bên cạnh.

Để tránh thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực đến mùa giáp hạt và giống má cho mùa sau, các nhà kho của đồng bào bao giờ cũng được dựng lên cách xa làng, ngay sát bìa rừng.

Mặc dù ở vị trí kề cận với rừng nhưng hầu hết các nhà kho khó bị thú rừng xâm hại, đặc biệt là rất lợi hại trong việc đề phòng chuột bọ. Đồng bào chỉ cần gắn vào cột kho lúa một miếng gỗ tròn, được kính 40- 50 cm, cách sàn 20 cm giống như cái chảo úp, nếu chuột trèo lên cũng bị rơi xuống đất.

img
Kho thóc tình thương của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang (Quảng Nam), là nơi dự trữ chia đều cho mọi người dân trong làng khi mùa giáp hạt.
Kho lúa từ lâu là hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, đó là hình ảnh của no ấm. Vì vậy, đa phần các dân tộc vùng núi Quảng Nam luôn xem kho lúa của dân tộc là rất quan trọng.

Các dân tộc có những lễ nghi liên quan như tục thờ hồn lúa, tục ăn cơm mới, tục ăn lúa rẫy. Khi cho lúa vào kho hay ăn mừng cơm mới đồng bào không quên cúng tạ ơn Mẹ lúa, Hồn lúa đang trú ngụ nơi nhà kho để cầu mong no đủ, bình an. Kho lúa là nguồn sống của cộng đồng. Việc giữ gìn hoa màu, lương thực thể hiện ý thức tộc người rất cao đã ăn sâu vào tập quán của đồng bào miền núi nơi đây.

Kho thóc của làng tồn tại lâu đời đảm bảo cuộc sống ấm no của người miền núi trong điều kiện nền kinh tế tự túc tự cấp. Đó cũng là một loại hình hậu cần truyền thống dựa vào cộng đồng để khi cần thiết, sẽ như là một trong những phương án bốn tại chỗ ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thiên tai.
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Xơ đăng làng Tắc Xanh (thôn 4), xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam)
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Cor thôn 3B, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Cơ Tu, thôn Đắk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam)
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Xơ đăng làng Măng Lùng (thôn 3), xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam)
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Tàriềng, thôn Đắk Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam)
img Kho thóc của đồng bào dân tộc Cadong thôn 3, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
img Kho thóc tình thương của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang (Quảng Nam), là nơi dự trữ chia đều cho mọi người dân trong làng khi mùa giáp hạt.
img