Chính vì thế, chẳng mấy khi họ cười thành tiếng, lúc nào cũng tìm cách che đi hàm răng xấu xí. Việc sở hữu một hàm răng dị thường khiến cho người dân nơi đây phải sống trong bao tủi thẹn.
Nỗi buồn “xóm sún răng”
Dạo quanh xóm nhỏ có hơn 20 nóc nhà này, chúng tôi mới thấy cái tên “xóm không răng” chẳng sai chút nào. Gặp khách lạ, những người lớn tuổi thân mật trò chuyện, nụ cười chân chất hiền lành nhưng có phần gượng gạo. Trong khi đó, các thanh niên nam nữ ái ngại đứng xa giữ khoảng cách và hạn chế nói cười. Khi nhắc đến chuyện buồn tại xóm mình, mọi người lặng nhìn nhau, những nụ cười không răng như cố giấu đi những mặc cảm từ lâu đeo bám.
Chị Điệp có ba đứa con gái chỉ với nỗi buồn “không răng cửa”. Ảnh T.G
Theo những "nạn nhân" của hiện tượng rụng răng thì người bị rụng ban đầu xuất hiện những đốm trắng, sau ố vàng rồi chuyển sang đen như gỗ mun và mẻ sứt từng mảnh, mòn dần đến khi chỉ còn lợi. Cùng với quá trình hư hại của những chiếc răng là mùi hôi rất khó chịu mỗi khi nói cười. Điều đặc biệt, căn bệnh lạ này chẳng buông tha bất kì ai nếu họ được sinh ra, lớn lên trong cái xóm này. Vậy nên sự việc khó tin từ lâu đã thành lẽ… thường tình.
Gia đình anh Dương Tấn Sỹ (42 tuổi) và chị Lương Thị Điệp (38 tuổi) được biết đến là hộ có nhiều người “không răng” nhất xóm. Anh vốn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên đến nay hàm răng gần như bị hư hại hoàn toàn. Giống như cha, ba đứa con gái của anh Sỹ đã bắt đầu hỏng răng.
Chị Điệp - người duy nhất không bị hư răng trong nhà cho biết: “Các con tôi có biểu hiện hư răng sau lần thay răng lúc bé. Khi răng mới mọc ít lâu, chúng bắt đầu bị đục màu. Sau mỗi năm, những vết sẫm đục càng lan ra và đến năm 15 tuổi thì bị đen thui. Cháu gái đầu mới 15 tuổi nhưng hàm răng toàn những đốm vàng, đốm đen rồi rụng dần trông rất đáng thương”.
Điều đáng buồn hơn với gia đình chị Điệp là, chỉ một thời gian nữa thôi, hàm răng của 3 bé gái sẽ giống như cha. Nguyên hàm răng bị đen một màu, dần dần sứt từng mảnh, chết dần và cùn đến tận gốc răng. Khi răng đã mất, miệng cũng thành móm. Nói đến nhưng phiền lụy của chứng bệnh không tên này, chị Điệp thở dài buồn bã. Chị bảo, dù khó khăn tới đâu, anh chị cũng gom tiềm để trám răng cho 3 con gái để… lấy chồng.
Chính quyền cũng loay hoay
Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Hổ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây
cho biết: “Để khắc phục tình trạng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo,
gây tổn thương cho răng của người dân, địa phương đã lặp đặt đường ống
dẫn nước sạch về cung cấp cho người dân vào năm 2009. Nhưng chỉ hai năm
sau, hệ thống này đã ngưng hoạt động".
Vậy là, trước khi chính quyền tìm
ra giải pháp mới, người dân buộc lòng chấp nhận con em mình phải sống
cảnh không răng với nhiều câu chuyện bi hài như thế.
|
Hai gia đình bên cạnh nhà chị Điệp cũng chung hoàn cảnh. Ông Lương Kim Phận năm nay gần 50 tuổi nhưng hàm răng vẫn trắng trẻo chắc khỏe, trong khi hai đứa con đều bị hư răng. Chàng trai Lương Văn Tưng (20 tuổi, con ông Phận) cảm thấy khá bất mãn với hàm răng hư của mình.
Tưng cho biết, mình bị hư răng sau khi thay răng năm lên 8 tuổi. Sau hơn 10 năm, hàm răng sẫm đục, lưa thưa đốm vàng đốm đen của Tưng nay đã thành một màu đen. Những chiếc răng cửa đã sứt mẻ khiến hàm răng càng mất thẩm mỹ. Tưng bảo, chỉ cần cắn mạnh vào một vật gì đó hơi cứng là răng cửa cũng “đi mất” như chơi.
Đã hơn 15 năm trôi qua nhưng câu chuyện anh Sỹ có hàm răng xấu xí lấy được vợ đẹp vẫn khiến xóm “không răng” nhớ mãi. Từ thời thanh niên, hàm răng của anh Sỹ đã đen và hư hỏng đến nỗi gia đình lo lắng anh sẽ ế vợ.
Thấy người nhà ra vào than thở, anh càng sống khép kín. Năm anh 25 tuổi, bạn bè cùng trang lứa trong thôn đã có vợ gần hết. Cha mẹ già ngày đêm đòi cháu nội để bế khiến anh buộc lòng nghĩ đến chuyện vợ con. Vậy nên, anh đánh liều đi tìm vợ. Người anh để mắt là một cô gái có nhan sắc tên Điệp, người vợ bây giờ. Để giấu khiếm khuyết, anh thường chỉ hẹn hò vào… ban đêm.
Thời ấy, thôn Cẩm Thạch chưa có điện nên anh lợi dụng ánh đèn dầu để che đi hàm răng kỳ dị. Cũng nhờ không gian “tranh sáng tranh tối”, nụ cười không răng khiến mọi người cảm thấy anh… rất đáng yêu.
Được gia đình đồng ý, sau hai tháng quen biết, anh chị nên vợ nên chồng. Ngày đầu tiên chung sống cũng là ngày chị Điệp té ngửa về hàm răng dị thường của chồng. Sau phút giận dỗi, người vợ cũng thấu hiểu nỗi khổ tâm của chồng và coi đó như duyên phận mà ông trời sắp đặt.
Khổ sở vì thanh niên cũng sún răng
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (22 tuổi), người hàng xóm cùng chung nỗi khổ với anh Sỹ. Cũng như anh chị em khác trong nhà, năm lên 7 tuổi Hà bắt đầu bị hư răng. Mặc cảm vì những chiếc răng hư, Hà học hết 12 thì nghỉ hẳn ở nhà. Để tính chuyện chồng con, Hà được gia đình đưa đi trám răng khi tròn 17 tuổi. Nhưng chỉ 3 năm sau, hàm răng Hà đã ố vàng, mục mòn trở lại. Một lần nữa Hà phải đi trám răng và nửa năm sau thì chị lấy được chồng. Có chồng và một đứa con nhưng chị vẫn cảm thấy phiền muộn. Kinh tế eo hẹp, chị phải chắt chiu từng đồng để năm sau tiếp tục đi làm răng.
Cảnh hư răng từ những người như anh Sỹ, chị Hà dần khiến người bên ngoài ái ngại với việc cưới vợ gả chồng vào xóm nhỏ này. Điều ai nấy quan tâm nhất khi tìm hiểu gái trai của xóm là nụ cười và những chiếc răng. Nếu các chàng trai không răng vẫn có thể lấy được vợ, thì không ít các cô gái xinh đẹp nhưng vẫn lận đận duyên phận vì răng hư. Điều này càng khiến cho con em trong xóm bi quan hơn, cuộc sống vốn khó khăn lại thêm buồn tủi. Khi có niềm vui hiếm hoi thì chẳng ai dám cười thoải mái.
Anh Lương Văn Tưng và hàm răng biến màu. Ảnh T.G
Điều kỳ lạ nhất là những người sinh ra và lớn lên trong xóm này từ 40 năm trở lại đây đều hư răng, tùy mức độ. Trong khi người được sinh ra ở nơi khác hoặc về đây sinh sống lại chẳng hề hấn gì. Vậy nên mới có nghịch cảnh, cha mẹ già răng vẫn chắc khỏe trong khi con cái đều hư răng. Xóm có khoảng 100 người dân thì hầu hết bị hư răng.
Răng bị hư không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn gây nhiều tốn kém cho mọi người. Chỉ riêng việc mua kem đánh răng hàng tháng, nhiều gia đình đã phải tính toán chi li. Để tạo thẩm mỹ cho hàm răng, các gia đình đành “cắn răng” chi ra số tiền lớn. Khổ nỗi, “hàm răng nhân tạo” cũng bị hư hại sau thời gian ngắn. Chẳng còn cách nào khác, các nạn nhân của chứng hư răng phải liên tục “thắt lưng buộc bụng” nhằm dành dụm đủ tiền làm răng nhân tạo.
Mọi người thường chỉ trám 8 chiếc răng ở giữa hai hàm để tiết kiệm, mỗi lần tốn khoảng 2,5 triệu đồng. Với 3 cô con gái đang lớn từng ngày, chị Điệp nhẩm tính số tiền để trám răng sẽ là gần 10 triệu đồng, bằng số tiền mà chị làm thuê làm mướn quanh năm mới dành dụm được. Nhà bên cạnh, chàng trai Tưng cũng đang nôn nao khi chẳng biết làm gì ra tiền để đi trám răng.
Về tình trạng hỏng răng ngày càng phổ biến, bà con nơi đây cho rằng nguồn nước ngầm đang sử dụng là nguyên nhân. Nước dồi dào nhưng nhiễm phèn nặng, ố vàng và bốc mùi khó chịu. Bằng chứng hùng hồn nhất là những con em từ lúc sinh ra uống phải nguồn nước này đều chung căn bệnh. Các năm qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền để được can thiệp. Đáng nói là, nhiều người đã chọn cách từ bỏ quê hương để tránh cho con cái bị… hư răng.
Mỗi ngày 5 lần đánh răng
Khi PV về tìm hiểu, các em độ
tuổi thanh niên nhưng bị sún răng trả lời những câu hỏi bằng câu từ cụt
ngủn “vâng, dạ” như tránh để lộ hàm răng ố vàng, đầy những chấm đen và
bốc mùi hôi tanh của mình. Các em cảm thấy tự ti về hàm răng khác thường
bởi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Trước khi đến trường, các em phải
súc miệng thật kĩ để khử mùi hôi.
Với việc đánh răng 5 lần mỗi ngày,
điển hình như nhà anh Sỹ (thôn Cẩm Thạch) và 3 cô con gái dùng hết 5
bịch kem đánh răng loại lớn mỗi tháng. Dù khá tốn kém nhưng cả gia đình
đều chấp nhận, vì nếu anh Sỹ và các con không đánh răng thì chỉ còn nước
ăn cơm bằng lợi.
|