Dân Việt

Hỗ trợ hộ vay giải quyết nợ xấu

Chúc Ly 26/03/2014 10:02 GMT+7
Năm 2011, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã lập đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Sau thời gian tập trung quyết liệt xử lý nợ quá hạn, chi nhánh đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Theo Ngân hàng CSXH Hậu Giang, đến cuối năm 2013, nợ quá hạn của chi nhánh là 23,164 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ, giảm 11,276 tỷ đồng so với năm 2012, hoàn thành 133,7% chỉ tiêu nợ quá hạn theo lộ trình thực hiện đề án đến cuối năm 2013 (là 2,70%).

Giảm đáng kể nợ quá hạn

Cũng theo Ngân hàng CSXH Hậu Giang, có 7/7 đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu thực hiện giảm nợ quá hạn so với kế hoạch đề ra theo lộ trình đề án. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ quá hạn của huyện Châu Thành là 1,02%; huyện Long Mỹ 2,61%; huyện Châu Thành A 1,78%; huyện Phụng Hiệp: 1,80%; Hội sở tỉnh 1,67%; huyện Vị Thuỷ: 1,60%; thị xã Ngã Bảy: 1,40%.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Hậu Giang cho biết: “Theo chỉ đạo của tổng giám đốc Ngân hàng CSXH, Ban chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng vùng Tây Nam Bộ chỉ đạo cho các chi nhánh có chất lượng tín dụng chưa đạt yêu cầu xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện (ở cấp xã xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng).

Đến thời điểm này, các phòng giao dịch trong toàn chi nhánh đã hoàn thành các chỉ tiêu theo lộ trình đề án. Toàn tỉnh có 6 phòng giao dịch, 1 hội sở tỉnh, hiện chỉ còn Phòng giao dịch huyện Long Mỹ có nợ quá hạn 2,61%. Theo chỉ đạo của giám đốc chi nhánh, đơn vị này phải đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% trong năm 2014.

Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm vay vốn

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, để đạt được những kết quả đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Hậu Giang đã có những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể nhận ủy thác. Chi nhánh cũng phân tích đánh giá từng món nợ xấu, nợ lãi tồn đọng, qua đó phân loại và có biện pháp xử lý hiệu quả.

"Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách”.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo

Đối với những hộ có khả năng trả nợ thì phải tập trung đôn đốc, với những hộ không có khả năng trả nợ phải hướng dẫn để họ trả dần nhưng cũng phải có thời gian nhất định để họ có ý thức trả dứt nợ.

Những trường hợp không thể trả nợ vì những rủi ro do nguyên nhân khách quan tùy đối tượng mà áp dụng biện pháp xóa nợ, khoanh nợ và gia hạn nợ. Trong thời gian khoanh nợ, nếu hộ nào có nhu cầu sản xuất và có đủ điều kiện để vay thì vẫn được xem xét cho vay.

Cũng theo ông Thảo: “Đối với những hộ vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả nợ, chi nhánh sẽ lập hồ sơ khởi kiện ra toà”. Theo thống kê của chi nhánh, tỷ lệ nợ quá hạn đến cuối năm 2013 là 1,79%, đến tháng 2.2014 là 1,72%.