Suy giảm khả năng cạnh tranhNgân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng, và do những “méo mó” về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng.
Báo cáo đánh giá rằng, tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở do sự chậm chạp trong cải cách cơ cấu và do mức độ không chắc chắn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cầu trong nước vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân thấp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất vay nợ quá cao, khu vực ngân hàng thiếu vốn, và một lý do nữa là ngân sách nhà nước đang suy giảm.
Sản xuất xe máy tại Nhà máy Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc.
Về phía cung, các đánh giá so sánh khả năng cạnh tranh của các nước cho thấy rằng Việt Nam hiện đang bị suy giảm khả năng cạnh tranh so với các nền kinh tế có trình độ tương đương. Tiếp sức cho tăng trưởng trong trung hạn đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm tới một số cải cách cơ cấu – trong đó chú trọng vào các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, tháo bỏ rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
WB cũng chỉ ra rằng, những điểm yếu của ngành tài chính vẫn còn tồn tại, tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung. Nợ xấu trong ngành ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn, mặc dù cơ sở dữ liệu kém chất lượng và yêu cầu công bố thông tin hạn chế làm ngăn cản khả năng ước tính chính xác độ lớn của nợ xấu.
WB cho rằng, Chính phủ hiện đang đối mặt trước những lựa chọn chính sách tài khóa quan trọng khi phải cân đối giữa hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng cần phải chú ý đến việc thay đổi thành phần nợ công. Tỷ lệ nợ nước ngoài ưu đãi trong tổng số nợ công và nợ nước ngoài có bảo lãnh công của Việt Nam đã bắt đầu giảm do Việt Nam đang chuyển thành quốc gia thu nhập trung bình.
Nhiều rủi ro đón đợiWB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu (với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, và giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước).
WB cho rằng, với chương trình tái cơ cấu đang được đà, dự kiến Việt Nam sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Những nỗ lực để thoái vốn nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và cổ phần hóa một số lớn các doanh nghiệp nhà nước có thể gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư về cam kết của chính phủ đối với chương trình này. Cần cấp thiết giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, mặc dù do sự phức tạp của các vấn đề liên quan, có khả năng đây sẽ là một quá trình kéo dài hơn dự tính.
WB cũng cho rằng, những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với một vài rủi ro liên quan đến các yếu tố bất lợi như: Tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào; tuy xác suất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro nữa là các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu; và đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa.