“Chủ trương kiểm tra chặt xe chở quá tải ngoài việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn có ý nghĩa quan trọng khác mà những người làm vận tải mong muốn là đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thật, chứ không phải giá trị ảo do chở quá tải mà có”- đó là quan điểm của ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Dồn hết gánh nặng cho đường bộTrước việc có doanh nghiệp (DN) vận tải đề nghị bảo vệ hội viên khi các tuyến quốc lộ đồng loạt kiểm soát tải trọng, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Thân Văn Thanh khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Vì ngoài việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chủ trương này còn có ý nghĩa quan trọng khác là đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thật, chứ không phải giá trị ảo do chở quá tải mà có”.
Các chủ phương tiện dừng xe để hạ tải ở bãi dịch vụ chân bờ Vính Long.
Được biết, 2 ngày sau khi triển khai đồng loạt kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi đến các hiệp hội địa phương đề nghị vận động các hội viên nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định pháp luật.
Ông Thanh cho hay, ngay sau khi việc kiểm soát tải trọng đồng loạt được triển khai đã có giám đốc doanh nghiệp điện thoại nói rằng hiệp hội nên can thiệp để bảo vệ quyền lợi của hội viên. Trả lời đề nghị này, ông Thanh cho rằng: “Chúng tôi phản đối hoàn toàn bởi hiệp hội chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng. Đây là việc làm phi pháp lâu nay, chúng tôi không bảo vệ. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định của pháp luật”.
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi đồng tình với việc kiểm soát tải trọng nhưng việc chở quá tải để chạy đua giá cước thấp đã diễn ra từ lâu, thành lối mòn. Việc chạy đúng tải để bảo vệ cơ sở hạ tầng cần phải thay đổi nhận thức của cả chủ hàng, chủ xe và tài xế. Việc này cần có quá trình”. Ông Liên cũng chỉ ra bất cập của hệ thống vận tải tại Việt Nam là đổ dồn hết vào cho đường bộ, không xảy ra quá tải mới là chuyện lạ.
Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm chính về việc buông lỏng quản lý xe quá tải từ lâu. Ông Thăng cho hay: “Thứ nhất, chính Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện việc hoán cải xe cơ giới. Thứ hai, buông lỏng quản lý xe quá tải nên từ đầu năm 2013 đến nay triển khai việc kiểm soát tải trọng xe rất khó khăn”.
Phải đưa giá cước về giá trị thựcTrước hiện tượng thương lái ép giá nông sản của người nông dân với lý do cước vận tải tăng, ông Thanh cho rằng: “Hiện đang lúc được mùa, thương lái lợi dụng tình hình này để té nước theo mưa, ép người nông dân. Tôi cũng khẳng định luôn là không thiếu xe, lực lượng vận tải của chúng ta đang dư thừa nhiều so với nhu cầu xã hội, điều này chúng tôi đã tính toán. Lực lượng xe không thiếu, người ta chỉ ngụy biện để cản trở chủ trương lớn. Các nhà xe đang nghe ngóng tình hình xử lý của cơ quan chức năng rồi tính tiếp”.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô, việc chở đúng tải để đưa giá cước về đúng giá trị thực sẽ buộc doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá cước. Chi phí vận chuyển thời gian đầu có thể tăng, nhưng việc chở đúng tải sẽ góp phần đỡ hao mòn phương tiện, giảm hao phí nhiên liệu, bảo vệ kết cấu đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó việc đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng của tài xế và người tham gia giao thông không thể tính được bằng tiền.
Đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát chặt và nghiêm túc tải trọng phương tiện, triển khai ở tất cả các địa phương để tạo công bằng.
Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Không phải 100% xe chạy trên đường chở quá tải, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp chở đúng tải không thể cạnh tranh với giá cước chở quá tải. Một số doanh nghiệp đã gọi điện cho tôi khẳng định hoàn toàn đồng tình với chủ trương và đề nghị phải làm thường xuyên, liên tục để tạo cạnh tranh kinh doanh bình đẳng. Khi giá cước về với giá trị thật thì những chi phí ngoài vận tải sẽ không còn hoặc sẽ hạn chế đến mức tối đa”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Tất cả chỉ là ngụy biện Kho vận của ta hiện đang có giá thành cao, hoạt động trục trặc và không hiệu quả, thể hiện ở nhà vận tải thì lớn nhưng thị phần chỉ chiếm 20%, trong khi 80% là rơi vào tay các DN nước ngoài. Giá thành vận tải cao gấp rưỡi so với khu vực. Tất cả có 5 nguyên nhân: Một là giá xăng phập phù, cao trong khu vực (cao so với thu nhập của người Việt/GDP). Hai là phương tiện không đồng bộ, chắp vá, cơi nới. Ba là hạ tầng giao thông kém. Vận tải từ Hà Nội đi Thái Bình hết 3 giờ trong khi các nước cùng quãng đường họ chỉ mất 45 phút. Bốn là lương của lao động vận tải không cao. Năm là chi phí tiêu cực trên đường rất lớn, 36% số lái xe được hỏi cho biết phải chung chi với CSGT. Hậu quả là tất cả đồ dồn hết vào hàng hóa khiến ngay cả giá vận chuyển cũng bị đẩy lên cao. Tôi không tin việc cho rằng, do chở quá tải thì chi phí thấp, hay chở đúng tải thì phải tăng giá cước lên, tất cả chỉ là ngụy biện. Giải quyết 5 bất cập nêu trên thì việc chở đúng tải vẫn có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa xuống.
Thực tế, quản lý nhà nước của ta về giá vận tải đang quá kém, không nắm đủ thông tin để quản.
Theo Luật Giá thì giá vận tải phải minh bạch, báo cáo đủ chi phí thì mới được phép tăng cước. DN vận tải phải chứng minh được lỗ thì mới được tăng giá. Đang có thực trạng là vận tải làm ăn nghiêm túc thì chết mà "ma giáo" thì lại sống khỏe, do vậy phải thay đổi cách quản lý để chống tiêu cực. DN vận tải phải công khai hết các chi phí kể cả "lót tay" để cơ quan quản lý giám sát. Mai Hương (ghi)
|