Theo Quyết định 178/2001 thì hộ gia đình, cá nhân nhận rừng được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, được chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, được hưởng lợi một phần sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên sau khi nộp ngân sách... Đây là nguồn thu nhập đáng kể, góp phần đảm bảo đời sống cho người làm nghề rừng.
Tập huấn kỹ thuật lâm sinh cho người dân nhận rừng ở Ea Súp. |
Tuy nhiên, hàng nghìn hécta rừng ở Đăk Lăk sau khi giao cho dân đã bị bỏ mặc như rừng... vô chủ. Đã có những vụ phá rừng với diện tích lớn phải xử lý hình sự như vụ chặt phá 3ha rừng ở xã Ea Rôk, vụ hủy hoại 10,8ha rừng ở xã Ya Tmốt (huyện Ea Súp).
Không chỉ để rừng bị phá, hàng trăm hộ dân ở huyện Ea Súp đã làm đơn xin trả lại rừng cho huyện, điển hình là toàn bộ người dân ở xã Ea Lê xin trả hết 320ha rừng. Một phần diện tích này về sau được UBND tỉnh Đăk Lăk cho Công ty TNHH Gia Huy thuê để trồng rừng, phần còn lại bị phá trắng.
Ông Nguyễn Hữu Bính - lâm dân ở xã Cư Kbang.
Ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư Mlanh - cho biết: “Dân không nhận hoặc xin trả lại rừng thì rất gay go, vì xã không có lực lượng, phương tiện, kinh phí để bảo vệ trong khi diện tích rừng do xã quản lý đến gần 9.000ha.
Cư Mlanh mới giao được 231ha rừng cho 20 hộ, vừa rồi một số làm đơn xin trả, xã phải ra sức động viên bà con ráng nhận giùm”.
UBND xã Cư Kbang cũng “đau đầu” không kém khi nhận bàn giao các tiểu khu 215, 216 từ Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh, bởi hàng trăm hộ được công ty giao rừng trước đây cũng đồng loạt xin trả.
Nguyên nhân của thực trạng trên là phần lớn diện tích rừng giao cho dân ở Đăk Lăk đều là rừng khộp nghèo kiệt, không có lâm sản phụ, đất đai quá xấu, khí hậu khắc nghiệt. Điều này cho thấy nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí bảo vệ rừng, triển khai một chương trình khuyến lâm đủ mạnh với các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp nhằm đảm bảo đời sống lâm dân.
Các chính sách này có thể chấm dứt hoặc thay đổi khi sản phẩm từ rừng bù đắp được chi phí, công sức mà người dân đã đầu tư trên đất rừng.
Đồng Nguyên