Dân Việt

Chung tay cứu cây cà phê

Phan Tấn Khế 19/03/2014 13:43 GMT+7
Theo đề nghị của Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Hội nông dân (ND) tỉnh đã mời TS Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Sông Lam trực tiếp đến xã Đa Mi giúp địa phương “cứu” cây cà phê.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Đa Mi cho biết, diện tích trồng cà phê toàn xã gần 1.500ha đang bị bệnh và rệp, rầy phá hoại. Mặt khác, do thiếu phân bón, không đầu tư chăm sóc nên cây không phát triển, năng suất thấp, trong khi đó ND chưa được các cơ quan chức năng huyện, tỉnh hướng dẫn kỹ thuật.

Về phân bón thì bà con phải ngược lên Bảo Lộc mua nợ của các đại lý với lãi suất 15 - 20%, đến mùa mang sản phẩm đến trả, có hộ không đủ sản phẩm trừ nợ nên nợ gối đầu. Ngoài cây cà phê, ND còn trồng ca cao trên diện tích khoảng 30ha, nhưng hiện nay không ai mua sản phẩm; còn cây sầu riêng phát triển khá nhưng bị bệnh rỉ mủ...
Tiến sĩ Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH phân bón Sông Lam đang tham quan vườn cà phê xen ca cao, sầu riêng của anh Nguyễn Hữu Trí ở Đa Mi (Nguồn ảnh: TTĐT Bình Thuận)
Tiến sĩ Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH phân bón Sông Lam đang tham quan vườn cà phê xen ca cao, sầu riêng của anh Nguyễn Hữu Trí ở Đa Mi (Nguồn ảnh: TTĐT Bình Thuận)

Ông Thanh đã trực tiếp tham quan vườn cà phê xen ca cao, sầu riêng diện tích hơn 2ha của anh Nguyễn Hữu Trí - Chi hội trưởng ND thôn Đa Tro. Ông Thanh đã tặng anh Trí một số thuốc thảo mộc Sông Lam 333 đặc trị một số loại bệnh, rệp, rầy trên cây trồng và hướng dẫn cách sử dụng.

Lãnh đạo Hội ND xã Đa Mi và ông Phan Xuân Thanh đã thống nhất chọn 4 hộ có kinh nghiệm để thực hiện mô hình bón phân vi sinh. Công ty hỗ trợ (không thu tiền) phân vi sinh, vi lượng và thuốc đặc trị, sau đó sẽ tổ chức hội thảo đánh giá và nhân rộng mô hình. Hội ND xã sẽ làm cầu nối để cung ứng phân, thuốc cho ND trên cơ sở chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội ND tỉnh với Công ty TNHH Sông Lam.

Công ty sẽ giới thiệu đối tác mua cà phê, ca cao và các sản phẩm khác cho ND. Ông Thanh hy vọng, với phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp và Hội ND nói trên, diện tích cà phê bị dịch bệnh ở vùng Đa Mi sẽ phục hồi sớm và cho sản lượng bình quân 4.000 tấn/năm.