Sáng điện - đường đảo ngọc, biển TâyNăm mới ở đất Chín Rồng được đánh dấu bằng sự kiện khánh thành đường cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc lớn nhất Đông Nam Á vào ngày 6.2.2014. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng, không chỉ đưa điện quốc gia ra hòn đảo lớn nhất nước, tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng hàng năm, mà còn ghi dấu son lịch sử nghìn năm hình thành và phát triển của đảo ngọc.
Từ công trình thế kỷ này, người đồng bằng có quyền mơ ước về một chiếc cầu lịch sử nối Phú Quốc với đất liền trong một tương lai không xa khi nơi đây trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trù phú của quốc gia và khu vực.
Một góc đảo ngọc Phú Quốc.
Rời đảo lớn, về ven bờ biển Tây, ngày 7.2, tuyến tránh Tắc Cậu - Xẻo Rô được thông xe, khai phóng vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng một thời khó khăn “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu”. Gắn với nó là 2 cây cầu Cái Lớn, Cái Bé và đường dẫn vượt qua cù lao dài 2,2km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng được hoàn thành.
Ngay sau các công trình giao thông hoành tráng được khánh thành, 4 dự án sản xuất lớn, quy mô 3.350 tỷ đồng đã được khởi công để “đáp lời”. Trong đó, Dự án Nhà máy Chế biến gỗ MDF của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, công suất 75.000m
3 gỗ MDF/năm, được xây dựng trên diện tích gần 9ha, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2015, giúp tăng sản lượng gỗ công nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chiếm khoảng 50% sản lượng gỗ MDF của cả nước.
Cùng với việc ra đời nhà máy là việc hình thành vùng nguyên liệu từ trồng rừng trên diện tích hơn 4.700ha. 3 dự án khác, gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Nhà máy May Vinatex Kiên Giang và Nhà máy Giày Kiên Giang. Dự kiến, nhà máy giày sẽ cho sản phẩm vào đầu năm 2015, với quy mô khoảng 5 triệu đôi. 3 nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.950 tỷ đồng...
Khởi động vùng lõi Tây Sông HậuLiền kề tỉnh ven biển Kiên Giang và Cần Thơ - thủ phủ miền Tây, Hậu Giang cũng đã chuẩn bị khởi động lại dự án nhà máy giấy 1,2 tỷ USD sau thời gian gây hiện tượng rồi thi công chậm chạp và đình trệ.
Tập đoàn Lee & Man Paper – chủ đầu tư dự án đang xúc tiến việc mở cảng, đường chở hàng hóa riêng và lập trạm hải quan phục vụ việc xuất nhập khẩu trực tiếp của nhà máy giấy và sản xuất bột giấy. Dự kiến cuối năm 2015 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, với công suất khoảng 600.000 tấn giấy/năm.
Sau điện gió Bạc Liêu với quy mô đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, mở ra nhiều kỳ vọng về năng lượng sạch từ vựa lúa, Sóc Trăng là tỉnh thứ hai trong vùng đã trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Vĩnh Châu, tổng vốn khoảng 1.600 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 khoảng 30 MW. Dự án do Công ty EAB New Energy GmbH (CHLB Đức) và Công ty cổ phần thương mại, Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp (Trasesco) làm chủ đầu tư.
Ở phía ven biển đông nam, cũng đang đón nhận “làn gió mới” bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa Khu kinh tế Định An vào danh mục các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước gắn với các dự án lớn: Trung tâm Điện lực Duyên Hải và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; đồng thời đưa cảng biển Trà Vinh vào hệ thống các cảng biển Việt Nam để ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020.
Trước đó, dự án đào kênh Quan Chánh Bố - đường ra Biển Đông của đồng bằng - có tổng nguồn vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng cũng được Chính phủ cho khởi động lại sau thời gian đình hoãn thi công.
Dù còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để “vượt trũng” về nhiều mặt, nhưng các dự án điện, giao thông, sản xuất “nghìn tỷ” được khánh thành, khởi công đầu năm 2014 cũng đang mở ra cơ hội tăng tốc cho đồng bằng, kỳ vọng 1 năm “mã đáo thành công” cho một giai đoạn phát triển mới.