Tại hội nghị, Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐTBXH) công bố con số đáng buồn: Tỷ lệ LĐ bỏ trốn sau khi hết hợp đồng đã tăng từ 38% (tháng 11.2013) lên gần 50% (tháng 3.2014). Điều này cho thấy các giải pháp chống trốn - ngay cả khi đã phạt tới 100 triệu đồng- không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Cơ quan chức năng lo ngại lao động sẵn sàng nộp phạt để… bỏ trốn.
Ngày 10.3, Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu LĐ có hiệu lực, LĐ bỏ trốn bị phạt hành chính tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ngày này vẫn chưa có LĐ nào bị phạt.
Hà Nội là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về tình trạng LĐ hết hợp đồng không về nước. Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước cho thấy, tới năm 2013 Hà Nội còn 768 LĐ thuộc diện này. Kể từ năm 2012, mới có 455 người về nước đúng hạn (đạt 59,24%), tỷ lệ LĐ hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp còn rất cao, chiếm 40,76%. 3 huyện có số LĐ không về nước cao là Ba Vì (31 LĐ), Chương Mỹ (22 LĐ), Đan Phượng (22 LĐ), Đông Anh (23 LĐ).
Tương tự, Hòa Bình là tỉnh có số LĐ hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước khá cao. Ông Nguyễn Thanh Thủy – Phó Giám đốc sở LĐTBXH cho biết: Toàn tỉnh có 12.462 người đi xuất khẩu lao động. Riêng thị trường Hàn Quốc có gần 900 LĐ xuất cảnh, trong đó 693 người đã về nước, còn 200 người thuộc diện bỏ trốn. “Hiện nay các chế tài cả pháp lý và kinh tế đã đủ mạnh để buộc LĐ đi Hàn Quốc phải chấp hành. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt trong khâu thực hiện thì e rằng LĐ sẽ không sợ” – ông Thủy nêu ý kiến.
Bình luận về chế độ xử phạt hành chính, ông Choi Byung Gie - Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) cho rằng, tại Hàn Quốc hiện còn 14.000 LĐ Việt Nam hết hợp đồng chưa về nước (chiếm 40% tổng số LĐ bất hợp pháp của 15 nước phái cử) và khó có thể phạt số LĐ này.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Để có cơ sở thực hiện việc xử phạt hành chính, Việt Nam đang kêu gọi phía Hàn Quốc thực hiện chi trả 5.000 USD (khoảng 110 triệu đồng) tiền trợ cấp thôi việc của LĐ chuyển về Việt Nam. Trong trường hợp LĐ bỏ trốn, khoản tiền này sẽ bị tịch thu bổ sung vào nguồn vốn giải quyết việc làm tại địa phương”.
|
Ông Choi Byung Gie băn khoăn: “Trên thực tế tôi cũng đã nghe người LĐ nói rằng, dù bị phạt đi chăng nữa người ta vẫn sẽ cư trú bất hợp pháp vì chỉ cần làm việc 3 tháng là đủ tiền nộp phạt. Nhiều LĐ của các bạn vẫn đang im lặng chờ đợi xem sau thời gian ân hạn Chính phủ có thực sự xử phạt hay không. Liệu rằng có phải là người LĐ Việt Nam hoàn toàn không sợ bị xử phạt hay không?”.
Ông Nguyễn Thanh Hòa – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận thực tế: “Số LĐ hết hạn hợp đồng về nước đang tăng. Chính vì vậy, thời gian tới ngoài việc tiếp tục thực hiện cụ thể các giải pháp chống trốn như vận động, tuyên truyền, ký quỹ… chúng ta sẽ phải làm nghiêm việc xử lý hành chính tránh tình trạng “bệnh nặng nhờn thuốc”.
“Bằng mọi cách chúng ta phải giảm tỷ lệ LĐ bỏ trốn, nếu không làm giảm tỷ lệ LĐ bỏ trốn thì khả năng đóng cửa thị trường XKLĐ tại Hàn Quốc là nhãn tiền” – ông Hòa khẳng định.