Những năm trước đây, người Cơ Tu thường ăn cái tết riêng của họ, tức là tết ăn cơm mới sau mỗi vụ mùa. Vài năm trở lại đây, Tết cổ truyền - Tết nguyên đán cũng đã trở thành cái Tết cho người Cơ Tu. Tuy nhiên, người Cơ Tu vẫn giữ được nét văn hóa “ngày Tết” riêng biệt của dân tộc mình.
Lúc bấy giờ, công việc nương rẫy tạm xong, lúa, ngô đã được phơi khô cất vào nhà kho, đồng bào Cơ Tu lục tục rời những nhà tạm trong rẫy ở trong rừng để về làng chuẩn bị đón Tết. Ngày nay, cùng ăn Tết với người Kinh, đồng bào Cơ Tu cũng gói bánh tét, bánh chưng, trước để cúng Yàng, sau để ăn và đãi khách.
Chuẩn bị rượu cần uống trong ngày tết.
Những người có kinh nghiệm ủ rượu cần bắt tay vào công việc. Để có những
ché rượu cần thơm ngon, người Cơ Tu phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ
thẫm đồ lên, ủ với men rượu được làm bằng bột gạo trộn với các loại lá
rừng phơi khô trên giàn bếp. Nếu không có nếp huyết, đồng bào thay bằng
nếp đỏ (ruou croi). Có nơi, đồng bào chế biến rượu cần bằng sắn. Để rượu
có màu đẹp, sắn củ được gọt vỏ để 2, 3 ngày cho thâm rồi mới nấu chín
để nguội, rắc men, trộn với trấu, cho vào gùi đã được lót lá chuối rồi
phủ một lớp trấu xuống đáy cỡ 10cm.
Gùi này được để gần bếp lửa, sau 3 hoặc 4 ngày sẽ bốc lên mùi thơm, sau đó đổ ra nong, nia cho nguội rồi cho vào ché đã được lót một lớp trấu dày. Trên miệng ché rượu người ta lại cho một lớp trấu dày khoảng 10 cm. Trấu có chức năng giữ cho ấm rượu, đảm bảo sự lên men, đồng thời nó còn giữ cho bã sắn không theo cần vào miệng người hút rượu. Ngoài việc ủ rượu, người Cơ Tu còn lo giã nếp, gạo, và hái lá đót để gói bánh cuốt.
Tuy lá đót có diện tích hạn chế, nhưng khi đem gói bánh tro hoặc sừng trâu thì từ bánh tỏa ra hương vị hoang dã của núi rừng hòa quyện với hương nếp, ai đã một lần ăn đều khen ngon và không thể nào quên. Dường như khi gặp nếp, lá đót tiết ra một chất men gây cho bánh có hương vị đặc biệt, thơm ngon mà các lá khác không thể có được và không phải ngẫu nhiên mà người xưa chọn lá đót để gói bánh cuốt…
Bánh cuốt
Ngày Tết, đồng bào cho tất cả các loại thịt vào nấu nhừ rồi nêm muối vừa ăn. Khi ăn, chỉ cần xắt thành từng miếng dọn ra đĩa hay lá chuối. Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá. Ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc cá bằng vợt. Đàn ông Cơ Tu thường đánh, bắt cá ở các sông lớn, ngon nhất là cá liên (niêng).
Cá thường được nướng chín, rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn. Ngoài ra, cá nướng trong ống nứa cũng là món phổ biến của người Cơ Tu trong lễ Tết. Cá được nướng trong ống cho cháy ống, cá khô như được phơi rồi để dành ăn dần. Thịt nướng trong ống cũng có hương vị hấp dẫn, nhất là bộ lòng trâu, bò, heo, dê làm sạch cho vào ống nấu, thịt cứng săn lại, khô, thơm ngào ngạt.
Dành rượu ngon nhất uống trong ngày Tết.
Các phụ nữ Cơ tu còn bắt cua ở suối gần nhà, trong các hốc đá. Cua bắt về được làm sạch, sau đó tách vỏ cua ra làm hai phần, cạo hết phần thịt riêng ra, nhét một ít đậu phụng và rau húng vào rồi đậy nắp vỏ lại, buộc chặt bằng dây lạt nhỏ, đặt tất cả những vỏ cua đó vào một cái rổ nhỏ để trên giàn bếp một đêm, hôm sau lấy xuống nướng ăn hoặc làm đồ nhắm với rượu, còn thịt cua thì kho nấu ăn với xôi.
Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, người Cơ Tu mang theo sắn khô lên rừng chọn những vị trí thuận tiện để vãi xuống mặt đất nhằm thu hút chuột kéo về ăn ngày càng nhiều và béo mập. Trước Tết khoảng 10 ngày, họ tích cực mang bẫy kẹp lên vị trí này để gài bẫy bắt chuột rừng về dự trữ ăn Tết. Trung bình, mỗi người gài khoảng vài trăm bẫy. Mỗi ngày từ sáng họ lên rừng để thu hoạch chuột mắc bẫy. Có người “trúng mánh” được vài chục con chuột một lần đi thăm bẫy.
Thịt chuột hong khói trên bếp lửa.
Chuột mang về, phụ nữ Cơ Tu đốt lửa để thui làm lông, rửa sạch và đặt trong cái nia nhỏ xông trên giàn bếp cho khô dần để chế biến các món ăn trong ngày Tết hoặc đãi khách quý. Khi xuân đến Tết về, người Cơ Tu hay dùng cách lam để nấu các món ăn. Thức ăn cho vào ống nứa tươi, nướng chín. Không chỉ có cơm lam, chim lam hay cá lam mà món chuột lam (amó horzất) cũng có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, bất ngờ.
Ngày Tết, đồng bào Cơ Tu có thể chế biến nhiều món ăn từ chuột rừng xông khói như: chuột hầm đu đủ, chuột xào măng, chuột nấu "giả cầy", chuột nướng trực tiếp trên than hoa, chuột kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ…Cái ngon của các món ăn từ chuột rừng không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của “núi rừng” mà còn mang đậm tập quán của dân tộc trên dãy Trường Sơn hoang dã.
Món thịt chuột sau khi làm sạch, ướp các loại gia vị như muối, ớt, tiêu rừng kèm theo một số loại rau củ thái nhỏ như sắn, môn thục, bắp chuối, rau rớn... trộn vào nhau, sau đó lèn chặt vào trong các ống lồ ô hay ống nứa rồi đem nướng. Nướng xong, các ống thịt được đặt ngay ngắn trong gùi để dành ăn hoặc đãi khách trong những ngày Tết.
Già làng Đinh Văn Bớt (66 tuổi), trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) nói: “Ba ngày Tết, người dân chúng tôi rất mến khách. Có bao nhiêu rượu, cơm nếp, bánh, thịt ống, thịt khô đều mang ra đãi khách”. Đêm giao thừa, đồng bào nấu cơm hoặc nấu xôi, thịt gà, cá, thịt chuột, đưa lên nhà Gươl để già làng và các đại diện gia đình cúng xin Yàng ban cho một năm mới được mùa, khỏe mạnh, bản làng yên vui, vật nuôi không bị chết...
Ngày Tết, thanh niên có thể đi chơi Tết từ chiều 30 đến mùng 3 Tết mới trở về. Những “sơn nữ” đi chơi Tết trong tấm váy thổ cẩm, cổ đeo nhiều vòng mã não đẹp, đi đến đâu cũng có nhiều ánh mắt “si tình” của những chàng trai trẻ đuổi theo vì mùa xuân là mùa trai gái Cơ Tu chọn để kết duyên chồng vợ. Những ngày Tết, những người già ngồi lại với nhau tại nhà Gươl hát lý, nói lý về những phong tục tập quán tốt đẹp của người Cơ Tu từ xa xưa còn lưu lại cho đến bây giờ như khuyên bảo con cháu ăn ở hiếu thảo, luôn nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ…