Dự án do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.
“Cho cần câu chứ không cho con cá”Những hoạt động thiết thực của dự án với phương châm cho người nghèo cần câu chứ không cho con cá những năm qua đã giúp 22.000 hộ nghèo ở Cao Bằng thoát nghèo. Trong đó, một giải pháp đem lại hiệu quả không nhỏ là chương trình tài chính nông thôn với mục tiêu giúp người nghèo vùng dự án có thể tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tài chính khác để có cơ hội đầu tư dài hạn.
Dự án DBRP giúp nông dân nghèo ở Cao Bằng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư sản xuất lâu dài.
Bằng việc thành lập các tổ, nhóm có cùng sở thích, Dự án DBRP đã giúp nhiều hộ tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng - mà trước đó là những hạn chế của đa số người dân nghèo nơi đây. Theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, nhiều mô hình sản xuất theo tổ, nhóm cùng sở thích đã đạt hiệu quả cao trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Phần lớn người dân ở bản Khuổi Phay, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thuộc diện "nghèo kinh niên”. Được Dự án DBRP hỗ trợ về mặt kỹ thuật, người dân nơi đây đã thành lập được các nhóm chăn nuôi lợn đen. Tham gia nhóm sở thích, các thành viên được cán bộ dự án hướng dẫn cách tiết kiệm, cách làm ăn có lãi, lập kế hoạch sản xuất theo nhóm, được tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn, thủ tục vay vốn...
Theo khảo sát, hầu hết các hộ chăn nuôi ở Cao Bằng thường thiếu vốn, không có khả năng đầu tư. Nắm bắt được điều này, bằng nhiều hoạt động thiết thực, dự án đã trở thành cầu nối giúp nhiều hộ nghèo ở Cao Bằng có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn.
Giúp cán bộ tín dụng hiểu nhu cầu của nông dânKhông chỉ giúp người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, Dự án DBRP vừa tổ chức khoá tập huấn đầu tiên cho cán bộ tín dụng của Ngân hàng NNPTNT tỉnh Cao Bằng. Ngân hàng này hiện đang là đối tác chính cung cấp nguồn vốn vay của dự án.
Dự án triển khai tại 10 huyện của tỉnh Cao Bằng: Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình, Hạ Lang, Hoà An, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Thạch An, Phục Hoà.
|
Dự án đã giúp cán bộ tín dụng hoạt động trên địa bàn hiểu được các khó khăn đặc biệt tại khu vực nông thôn, thường gắn liền với tín dụng nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo; nâng cao hiểu biết về các vấn đề cơ bản liên quan đến tài chính nông thôn, trang bị kỹ năng đánh giá danh mục đầu tư nông nghiệp, nông thôn và phân tích vốn vay.
Các cán bộ tín dụng cũng làm quen với một số mô hình sáng tạo cũng như các cách thức khác trong việc cung cấp dịch vụ tài chính nông thôn; Được trang bị các kỹ năng trong việc phân tích tính mùa vụ, chuẩn bị dòng tiền, đánh giá rủi ro và thẩm định vốn vay; tăng cường hiểu biết về các sản phẩm vốn vay mới, sáng tạo cũng như phương pháp tiết kiệm dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn…
Bên cạnh đó, cán bộ dự án còn bồi dưỡng để nhân viên tín dụng có thêm nhận thức cũng như các hỗ trợ thông tin khác nhằm giải quyết các khó khăn trong tương lai khi triển khai dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn; áp dụng các kỹ năng và kiến thức học được vào bối cảnh thực tế tại tỉnh Cao Bằng.