Quyết định tham gia vào việc sản xuất thiết bị thông tin quân sự của Viettel có thể làm nhiều người ngạc nhiên bởi đây là lĩnh vực rất khó, do một vài cường quốc về công nghiệp quân sự như Mỹ, Nga, Pháp, Ðức, Israel... thống trị với các tổ hợp khổng lồ.
Thế nhưng, người đứng đầu Viettel - Trung tướng Hoàng Anh Xuân luôn khao khát với giấc mơ tự sản xuất được các thiết bị này nhằm hạn chế mức thấp nhất phải nhập khẩu thiết bị thông tin quân sự. Ông Xuân từng là Giám đốc Nhà máy Thông tin M1 - đơn vị chịu trách nhiệm gia công, lắp ráp, sửa chữa thiết bị thông tin quân sự cho quân đội.
Đại diện Bộ Quốc phòng kiểm tra và đánh giá các sản phẩm do Viettel chế tạo.
Khi Viettel báo cáo với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất nhận nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các trang thiết bị quân sự có nhu cầu cấp bách trong quân đội, rất ít người tin việc này có thể thành công. Ðơn giản là trước đó, chưa có công ty trong nước nào làm được, giám đốc một đơn vị chuyên tư vấn về thiết bị quân sự còn khẳng định: "Trong lĩnh vực này, người Việt Nam không thể làm được".
Trên thực tế, khi bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị thông tin quân sự, Viettel gặp những khó khăn tưởng không thể vượt qua. Với dự án sản xuất máy thông tin quân sự dành cho không quân, công suất 150 W, năm lần mang ra thao trường thử nghiệm là năm lần, các kỹ sư Viettel phải mang sản phẩm trở lại phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất máy vô tuyến điện sóng ngăn 20 W (một đề tài của Nhà máy Thông tin M1) cũng gần như rơi vào bế tắc khi chỉ còn một tháng nữa là đến hạn mà các kỹ sư của Viettel vẫn chưa tìm được cách làm đúng. Cuối năm 2010, trong lần kiểm tra tiến độ tại M1, tại cuộc họp với ban lãnh đạo ở đây, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Xuân đã nổi cáu vì tiến độ sản xuất sản phẩm quá chậm...
Ở một dự án khác, khi bắt tay làm bộ khuếch đại 50 W cho máy thông tin quân sự, Viettel liên hệ với một số nhà đối tác nước ngoài để đặt vấn đề tiếp thu công nghệ. Tuy nhiên, đối tác ra yêu cầu phải mua 100 bộ, và chi phí khoảng năm triệu USD mới chuyển giao sơ đồ. Trong khi đó, muốn mua một bộ mẫu một đối tác khác cũng mất đến từ sáu đến tám tháng. Với hệ thống quản lý vùng trời VQ, đối tác đòi giá tới 100 triệu USD mới chuyển giao công nghệ.
Nghiên cứu gặp không ít khó khăn, giá mua chuyển giao công nghệ trọn gói đắt đỏ, kỹ sư của Viettel đứng trước những khó khăn cực lớn. Thế nhưng, họ không bỏ cuộc và đã tìm cho mình được hướng đi đúng. "Trước đây thế giới chưa phẳng, Viettel lại không có tiền nên việc sản xuất thiết bị thông tin quân sự chỉ là giấc mơ. Giờ mọi thứ đã khác", ông Nguyễn Ðình Chiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Viettel nói. Theo ông Chiến, để làm chủ một chiếc máy thông tin quân sự, Viettel cần hiểu nguyên lý, sản xuất được một số linh kiện quan trọng và phần mềm, còn lại là mua thuật toán cũng như các bộ phận khác ở thị trường quốc tế. Ðiều này sẽ khiến quá trình nghiên cứu, sản xuất bớt khó khăn hơn và tập trung được lực lượng vào các công việc quan trọng nhất.
Sau hơn ba năm đầu tư mạnh cho nghiên cứu và sản xuất, cuối năm 2013, Viettel đã có những kết quả bước đầu rất tích cực. Với bộ khuếch đại 50 W cho máy thông tin quân sự, các kỹ sư quân đội đã tự làm được trong vòng tám tháng, sản xuất được hàng chục bộ mà chi phí chỉ 200 nghìn USD, rẻ hơn mua hàng chục lần, với các tham số kỹ thuật tương đương. Tổng cộng, Viettel đã sản xuất thành công tám loại máy thông tin quân sự.
Còn ở hệ thống quản lý vùng trời, đối tác Israel sau khi đưa ra 100 triệu USD đã giảm còn 20 triệu USD khi nhìn thấy các thành quả nghiên cứu của Viettel. Tuy nhiên, đã quá muộn cho cơ hội bán hàng của họ vì các kỹ sư quân đội đã tìm thấy được lời giải. Lần đầu tiên người Việt Nam đã chế tạo thành công một thiết bị thông tin quân sự có độ phức tạp rất cao, và khiến cho những kỹ sư lừng danh của Israel phải ngạc nhiên.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, các trang thiết bị quân sự do Viettel sản xuất bảo đảm phù hợp với nghệ thuật tác chiến, điều kiện khí hậu, môi trường của Việt Nam, có trọng lượng kích thước nhỏ hơn nhiều so với máy thế hệ cũ (trọng lượng chỉ bằng 1/8 trọng lượng máy thế hệ cũ bảo đảm sức mang vác và khả năng cơ động cao của bộ đội); đặc biệt bảo đảm tốt yếu tố bí mật, có giá trị kinh tế cao.
Theo đánh giá của Binh chủng Thông tin liên lạc, trung bình một bộ máy thông tin vô tuyến điện do Viettel sản xuất sẽ tiết kiệm khoảng 25% so với máy cùng loại nhập ngoại; trong khi nhu cầu Bộ Quốc phòng cần trang bị mới hàng chục nghìn bộ, như vậy có thể tiết kiệm cho ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Những thành công ban đầu khó tin của Viettel trong lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự thực tế đã có nền tảng từ những nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực dân sự. Ông Nguyễn Ðình Chiến cho biết: "Viettel đi lên từ viễn thông, lúc đầu tự làm các phần mềm phục vụ viễn thông, sau đó phát triển cả phần cứng, phần mềm. Xu hướng giữa viễn thông và công nghệ thông tin không còn giới hạn, tiếp cận đến tự động hóa, tự động điều khiển là bước rất gần trong cuộc sống".
Trước đó, các kỹ sư của Viettel từng thực hiện những nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Năm 1997, khi Viettel được giao thi công đường trục cáp quang 1A chỉ với hai sợi cáp (thường phải có bốn sợi) các kỹ sư của công ty này đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ ghép bước sóng để có thể thu phát trên một sợi quang (một sợi còn lại dự phòng) với cự ly xa gần 1.500 km. Viettel là công ty đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Chưa hết, khi thực hiện việc phủ sóng di động biển đảo, tháng 7.2009, các kỹ sư Viettel cũng trở thành những người đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công việc phát sóng trạm BTS với tầm xa 100km. Toàn bộ dọc bờ biển dài hơn ba nghìn km và vùng biển Việt Nam đều được phủ sóng di động với bán kính cách bờ là 100 km, với diện tích hơn 300 nghìn km2, phủ sóng 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ. Các kỹ sư Viettel đã thành công khi thực hiện giải pháp phát sóng di động xa 100 km từ bờ biển bằng cách thay đổi chiều cao cột phát sóng, sử dụng các thiết bị kích sóng, chọn các điểm đặt cột hợp lý...
Trước đây, khi bước vào cung cấp dịch vụ thông tin di động, phải cạnh tranh với các đối tác lớn như MobiFone, VinaPhone, ít người tin Viettel sẽ thành công. Giờ đây tập đoàn, từng tạo ra cuộc cách mạng về viễn thông di động tại Việt Nam đang tiến bước sang nhiều lĩnh vực khó khăn hơn và một trong số đó là sản xuất thiết bị thông tin quân sự. Và đã gặt hái được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Một trong những kết quả rõ rệt nhất là Bộ Quốc phòng đã quyết định giao cho Viettel sản xuất hàng chục nghìn khí tài thông tin quân sự trong hai năm (2012 - 2013).