Theo
Đài tiếng nói nước Nga, ngày 14.4, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã khai mạc kỳ kế tiếp Triển lãm quốc tế Công nghiệp Quốc phòng châu Á. Họat động này được tổ chức 2 năm một lần với sự bảo trợ của cơ quan quốc phòng, cảnh sát Malaysia và là một trong số triển lãm vũ khí lớn nhất thế giới.
Nga là thành viên tích cực của triển lãm uy tín này, bởi những khách mua hàng lớn nhất của ngành vũ khí Nga trong giai đoạn 2013-2016 chính là các quốc gia châu Á: Ấn Độ, Iraq và Việt Nam - như thông báo của ông Igor Korotchenko Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới. Đánh chú ý là tỷ lệ của Việt Nam trong cán cân tổng thể nhập khẩu vũ khí Nga ở giai đoạn này sẽ là 9%, tức là tăng gần gấp đôi so với khoảng thời gian bảy năm về trước.
Nga đã cung cấp cho Việt Nam hàng chục tiêm kích đa năng Su-30MK2 giúp bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
Chuyên viên Igor Korotchenko nêu đánh giá: “Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu kỹ thuật-quân sự và vũ khí. Hiện nay đang ghi nhận sự gia tăng liên tục năng động từ tất cả các tiếp xúc, tạo đà ký kết thêm nhiều thỏa thuận mới để nước đối tác nhận được những vũ khí hạng nhất từ Nga. Đây là điểm cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi ngày càng nóng lên cuộc tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực vì lãnh thổ thềm lục địa hàm chứa hydrocarbon và vùng biển đảo phong phú tài nguyên. Nguồn vũ khí cung cấp từ Nga là yếu tố hệ trọng giúp Việt Nam vững tin khi đối phó với bất kỳ diễn biến sự kiện nào”.
Nhờ những hợp đồng ký với Nga, Việt Nam đã nhận được 2 tổ hợp tên lửa cơ động bảo vệ bờ biển Bastion. Mỗi tổ hợp được trang bị tên lửa hành trình P-800 Yakhont có khả năng đảm bảo quốc phòng cho 600 km bờ biển và kiểm soát vùng biển 200.000 km vuông.
Ngoài ra, hai tàu tên lửa Molniya mà Nga bàn giao cho Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chất lượng tốt, tạo cơ sở để phía Việt Nam ký hợp đồng với Nga về sản xuất trong nội địa với giấy phép Nga thêm 10 chiếc tàu như vậy. Bên cạnh đó, Việt Nam đã mua thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 từ nhà máy AM Gorky, Nga. Hai chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt hàng chế tạo tại Nga đã được chuyển cho Hải quân Việt Nam trong năm 2013-2014.
Việt Nam đang mua thêm 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9.
Xét trang bị lực lượng không quân, trực thăng Nga chiếm tới 90% tổng số trực thăng trang bị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đối với đơn vị không quân chiến đấu, Việt Nam đã nhận được từ Nga hàng chục máy bay chiến đấu Su-30MK2 và đang tiếp tục mua thêm. Những chiếc tiêm kích đa năng này đủ sức không những tiêu diệt các mục tiêu trên không mà còn xóa sổ cả những mục tiêu trên đất liền và mặt biển.
Ông Igor Korotchenko nhận định: “Hợp tác thương mại quân sự-kỹ thuật của Nga và Việt Nam có triển vọng tốt đẹp và rõ ràng. Bởi việc mua một số hệ thống vũ khí riêng biệt cũng đồng nghĩa là cơ sở cho những hợp đồng mới . Ví dụ, việc mua tàu ngầm là cơ hội để nghĩ tới hệ thống trang bị cho căn cứ và phương tiện bảo vệ, bố phòng dành cho những điểm neo đậu tàu ngầm. Suy nghĩ cả về thành lập trung tâm liên lạc, đảm bảo truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy đến tàu thuyền đang trên hành trình tuần tra chiến đấu…”.
Nga dành được sự "ưu ái đặc biệt" từ phía Việt Nam để tham gia vào hiện đại hóa lực lượng phòng không.
Theo quan điểm của chuyên viên Korotchenko, Việt Nam đã bắt đầu cuộc cải tổ nghiêm túc với cấu trúc quân sự của nước mình. Trong đó, Việt Nam dành quan tâm đặc biệt cho sự tham gia của Nga vào khâu hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không, do Liên Xô cung cấp trước đây. Bổ sung cùng với hệ thống tên lửa S-300 đã mua của Nga, Việt Nam chăm lo tiếp tục mở rộng khả năng của hệ thống phòng không hiện đại. Đồng thời cũng tăng cường cơ số chiến đấu cơ tối tân. Tất cả những điều đó tạo cơ sở để ký kết các hợp đồng mới giữa Moscow và Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới của Nga nhận xét: “Đương nhiên Nga luôn xuất phát từ yêu cầu của khách hàng. Đối với bất cứ loại hình vũ khí nào mà Việt Nam quan tâm thì Nga cũng sẽ có phương án quyết định tích cực”.
Ông Igor Korotchenko tin chắc rằng các mẫu hiện vật của Nga trưng bày tại Triển lãm quốc tế Kuala Lumpur sẽ tạo điều kiện để khách hàng Việt Nam và các nước khác có dịp hiểu rõ hơn về khả năng hợp tác kỹ thuật-quân sự với Liên bang Nga.