Dân Việt

Khủng hoảng Ukraine: Ba Lan “xin” 10.000 quân NATO đồn trú trong nước

Phương Đăng (Theo Telegraph) 02/04/2014 07:50 GMT+7
NATO đang chia rẽ về việc Ba Lan và các nước Baltic đưa ra đề nghị liên minh triển khai quân thường trực đồn trú trong lãnh thổ của họ, giúp bảo vệ họ.
Hôm qua, các ngoại trưởng NATO đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận và xem xét các đề nghị liên minh triển khai quân đồn trú tại Hà Lan và các nước Baltic. Đây đều là những quốc gia có biên giới chung với Nga.

Đáng chú ý là việc Ba Lan đưa ra yêu cầu NATO đưa 10.000 quân vào đồn trú trên lãnh thổ của nước này hôm qua (ngày 1.4) trong bối cảnh NATO nhiều lần cam kết quyết bảo vệ tất cả các thành viên của họ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các tướng lĩnh và đô đốc NATO đã nhận được lệnh tìm ra những biện pháp tốt nhất để bảo vệ các thành viên đang cảm thấy bất an, lo ngại sau những diễn biến tại Ukraine thời gian qua.

 Các ngoại trưởng NATO họp tại Brussels để thảo luận về việc đưa quân đồn trú thường trực tại Ba Lan và các nước Baltic. Nguồn ảnh; Telegraph.
Các ngoại trưởng NATO họp tại Brussels để thảo luận về việc đưa quân đồn trú thường trực tại Ba Lan và các nước Baltic. Nguồn ảnh; Telegraph.

Trong cuộc họp, Anh đề nghị gửi các máy bay chiến đấu RAF Typhoon tham gia các cuộc tập trận tại Ba Lan và tuần tra phòng không trên không phận các nước Baltic. Tuy nhiên, Ba Lan muốn NATO đồn trú vĩnh viễn trên lãnh thổ của họ.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ sự thất vọng trước sự miễn cưỡng của NATO trong việc triển khai quân nhỏ giọt, chậm chạm trong lãnh thổ nước này nhấn mạnh, NATO có thể tăng tốc hiện diện nhanh hơn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ cần phải đưa ra nhiều hơn các biện pháp trấn an các đồng minh Đông Âu của chúng tôi”. Theo đó, NATO dự kiến sẽ đưa ra thông báo bổ sung về việc triển khai quân sự bao gồm gửi thêm quân và tàu chiến tới Đông Âu và Baltic trong vài tuần tới.

Mỹ dự kiến sẽ gửi thêm 600 nhân viên tới căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu trên bờ Biển Đen của Romania và cho biết họ cũng có thể gửi một tàu chiến đến Biển Đen. Tuy nhiên, Đức và một số thành viên NATO khác thận trọng khuyến cáo, động thái này có thể làm leo thang căng thẳng với Nga khi liên minh tăng cường lực lượng tới biên giới của nước này.

Các nhà ngoại giao khác cũng bày tỏ lo ngại việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại các nước có chung biên giới với Nga có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin huy động thêm quân tới biên giới.

“Đây không phải là thời điểm thuận lợi nhất để quân đội NATO tăng cường hiện diện. Đó sẽ là cái cớ để Nga củng cố sự hiện diện của họ”, một nhà ngoại giao cảnh báo.