Giá lúa tăng nhẹKhảo sát của phóng viên NTNN ở các tỉnh, thành có sản lượng lúa lớn như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… cho thấy chỉ có một số địa phương giá lúa có tăng nhẹ, một số nơi giá vẫn chưa tăng. Tuy nhiên, tín hiệu rất đáng mừng là hầu hết ND trồng lúa vùng này đều có chung hy vọng là chính sách tạm trữ được triển khai nhanh trước khi diện tích lúa đông xuân 2013-2014 thu hoạch xong.
Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) thu hoạch lúa đông xuân 2013 -2014.
Ở những nơi đang thu hoạch lúa rộ như huyện Tân Hồng, Tháp Mười (Đồng Tháp), An Phú, Tân Châu, TP. Long Xuyên (An Giang), giá lúa tăng trung bình 250 đồng/kg. Anh Trần Ngọc Điệp -ND ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: “Mới tuần trước, tôi đứng ngồi không yên, sắp thu hoạch tới nơi rồi mà giá có 4.200 đồng/kg. ND ở đây đang mong có 8.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ gì đó giá lúa sẽ được cải thiện”.
Ông Kiều Văn Liền - Chủ nhiệm CLB ND xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) cho hay: “Giá lúa mấy ngày nay nhích lên từ 250 - 300 đồng/kg sau thông tin có hỗ trợ từ Nhà nước”. Tuy nhiên, nhiều ND lại cho biết thấy giá lúa thay đổi đột ngột quá, cũng thấy lo. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND thị xã Tân Châu nói: “Giá lúa có nhích lên nhưng nhiều thương lái cũng còn ngại chưa dám mua vì sợ lỗ tiếp tục. Giá lên xuống thất thường gây tâm lý thiếu an tâm giữa người mua và người bán”.
Còn ông Trần Văn Quân - Phó Phòng NNPTNT huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) thông tin: “Giá lúa trên địa bàn huyện vẫn chưa tăng. Hiện người dân đã thu hoạch gần hết, cụ thể là đã thu hoạch được 8.265/11.000ha, nên chỉ sợ khi có thu mua tạm trữ thì bà con cũng bán hết lúa với giá rẻ rồi”.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại Vĩnh Long, ở các địa phương như Long Hồ, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình… giá lúa có tăng 100 - 200 đồng/kg so với với tuần trước. Tuy nhiên, số diện tích thu hoạch còn lại rất ít. Các thương lái chủ yếu đi thu mua lúa khô tại nhà dân. Ông Nguyễn Văn Bùi (ngụ ở ấp An Phú A, xã Long An, huyện Long Hồ) nói: “Hôm qua, thương lái có đến nhà tôi hỏi mua lúa khô OM6976 với giá 5.250 đồng/kg, tăng 100 đồng so với 1 tuần trước, nhưng tôi chưa muốn bán vì còn nghe ngóng xem giá có tăng thêm không”.
Cần triển khai thu mua tạm trữ ngayTrao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP .Cần Thơ cho biết: “Việc thu mua tạm trữ là mới bàn, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo, chỉ đạo từ các bộ, ngành có liên quan nên chưa có kế hoạch triển khai chi tiết gì đối với việc thu mua tạm trữ trên địa bàn. Tuy nhiên sau thông tin trên, giá lúa cũng đã có nhích lên”.
Đã có hiện tượng “sốt” gạo? Anh Nguyễn Văn Sĩ - thương lái mua lúa cho một công ty lớn ở huyện Phú Tân (An Giang) cho biết: “Hiện một số kho đã có hiện tượng sốt gạo khiến giá lúa 2, 3 ngày nay ở thị xã Tân Châu và huyện Châu Thành (An Giang), huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) đột nhiên nhích lên khoảng 400 - 500 đồng/kg”. Cụ thể, anh Sĩ cho biết: Lúa thường IR.50404 từ 4.200 đồng/kg nhích lên 4.600 - 4.700 đồng/kg, lúa hạt dài OM.6976 từ 4.500 đồng/kg nhích lên 4.800 - 4.900 đồng/kg.
|
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND thị xã Tân Châu thì cho rằng: “Để ND hưởng lợi thực sự từ gói hỗ trợ này, điều quan trọng cần làm là phải kiểm tra chặt chẽ việc thu mua của doanh nghiệp (DN), vì thực tế năm rồi sau khi triển khai mua tạm trữ lúa, ở đây (thị xã Tân Châu) có một số DN đã ký hợp đồng với ND nhưng cuối cùng họ không mua vì một số lý do do chính họ nêu ra. Như thế, họ đã được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng thực tế là họ không mua, trong khi họ lại có trong tay hợp đồng để xuất khẩu”.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, chính vì thông tin Nhà nước triển khai thu mua tạm trữ mà mấy ngày nay giá lúa ở An Giang đã tăng từ 200-300 đồng/kg. “Chúng tôi đang rà soát lại các DN đăng ký mua tạm trữ lúa gạo để theo dõi chặt chẽ tình hình thu mua của các DN, làm sao đảm bảo sự hỗ trợ phải tới được ND” - bà Tuyết khẳng định.
Trong khi đó, về phía DN, ông Nguyễn Văn Nhựt - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) cho biết: “Hai ngày qua, giá lúa có nhích lên do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Từ đây đến cuối tháng 3, chúng tôi sẽ thu mua hết vùng bao tiêu trên địa bàn huyện. Chúng tôi cam kết sẽ mua với giá bằng hoặc cao hơn thị trường cho bà con ND”.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) thì cho biết: “Việc thu mua tạm trữ mới bàn, nên việc triển khai đến DN, ND còn lâu lắm, không biết hết tuần này có triển khai được chưa. Bởi chính sách tạm trữ này phải qua nhiều giai đoạn như lập danh sách, phân bổ, công bố, lựa chọn DN thu mua, chọn ngân hàng cho vay... Một số DN không chờ được đã đi vay với lãi suất cao để trả tiền cho ND. Bởi DN chấp nhận bao tiêu sản phẩm cho ND thì phải lấy hết lúa với giá thỏa thuận từ đầu vụ”.