Dân Việt

Sống khỏe với nghề

11/01/2011 08:12 GMT+7
(Dân Việt) - Người dân học nghề bài bản, doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế... đó là cách để người dân xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) sống được với nghề mây tre đan.

Lần đầu tiên - những người làm nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh được coi là "thợ" thực sự, nhận lương từ 1,6-3,5 triệu đồng/tháng. Chị Bùi Thị Thu - một thợ mây tre đan cho hay: "Nhờ được học nghề, chúng tôi làm được những mẫu mới nhất, những sản phẩm tinh xảo tiêu chuẩn châu Âu, nên ngày công được trả khá cao".

img

Sản xuất đèn lồng từ mây tre tại Công ty Quốc Đại.

Chị Thu hiện là công nhân của Công ty TNHH Quốc Đại (đóng trên địa bàn xã Hoằng Thịnh). Chủ của doanh nghiệp này là anh Lê Quốc Biểu. Câu chuyện khôi phục và phát triển nghề mây tre đan của anh Biểu đang chứng tỏ về sức hút của các sản phẩm truyền thống.

Những vật rất bình dị và gần gũi với đời thường như giỏ đựng đồ, hộp quà, lẵng hoa, rổ giá... do Công ty Quốc Đại sản xuất đang được Công ty Ngọc Sơn (Hà Nội) hợp tác thu mua để xuất khẩu cho tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới AKIE có trụ sở tại Thụy Điển.

Anh Biểu hồ hởi giới thiệu: "Hiện tại công ty có 25 mẫu sản phẩm, trong đó 13 mẫu được sản xuất thường xuyên, các mẫu còn lại sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Như mặt hàng đèn lồng, chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu hàng, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu".

Để đáp ứng đơn hàng, hiện nay công ty đã mở rộng sản xuất ra 10 xã vùng đông nam huyện với hơn 2.000 lao động, ngoài ra còn mở ở 6 xã của huyện Nông Cống. Đó là chưa kể hơn 180 thợ làm việc trực tiếp tại công ty. Những hộ tham gia làm nghề được cung cấp nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Theo anh Biểu, điều quan trọng nhất là tay nghề của lao động: "Sản phẩm của chúng tôi bán khắp thế giới theo kênh phân phối chuyên nghiệp nên việc đào tạo tay nghề cho bà con được làm bài bản, dạy từng mẫu tỉ mỉ tới tận chi tiết".

Hiện, khó khăn lớn nhất của công ty là nguồn nguyên liệu. Cây tre hoặc cây vầu dùng cho sản xuất phải đảm bảo các yếu tố dài lóng, dày thịt và có độ thon nhất định. Sau khi được đốn hạ phải lột bỏ tinh cật bên ngoài và đem phơi nắng, phơi sương để tạo màu vàng rơm (tự nhiên). Nếu bị mưa, giập hoặc để lâu không bảo quản, nguyên liệu sẽ biến màu, mốc, mọt.

Để tìm được nguồn hàng ưng ý, nhiều khi công ty phải cử người lên tận các huyện miền núi Quan Hoá, Bá Thước, thậm chí vào Nghệ An chọn mua. Do vậy, công ty rất mong nhà nước có chính sách quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp mây tre đan có thể chủ động đầu vào, từ đó tập trung phát triển sản xuất.