Sáng nay (8.4), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình để Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Bộ trưởng Bộ KHCN giải trình về những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và giải pháp tạo đột phá cho KHCN đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu chỉ đạo buổi họp, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp nước ta đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế cho thấy, nông nghiệp - nông thôn nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập như sản xuất manh mún, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, giá thành sản xuất cao, dẫn đến hiệu quả canh tác thấp... Đáng chú ý là những năm gần đây, nước ta chi hàng nghìn tỷ đồng cho nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, nhưng mảng này vẫn chưa tạo được đột phá căn bản cho nông nghiệp, đặc biệt là chưa có những giống cây trồng, vật nuôi mới thực sự nổi bật.
Gạo Việt Nam có giá trị thấp trên thị trường xuất khẩu là do thiếu giống tốt, bị pha trộn nhiều loại lúa khác nhau. Ảnh: Thanh Cường
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu thực tế: Hiện nay ngành nông nghiệp phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác độ màu mỡ của tài nguyên và sức nông dân là chính, còn KHCN trong nghiên cứu giống, chế biến sau thu hoạch, định hướng quy hoạch trong các tiểu vùng còn rất yếu. Vậy Bộ NNPTNT sẽ làm gì để sản phẩm nông sản có thương hiệu và hàm lượng KHCN cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân?
Do lý do sức khỏe nên nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình không thể đến dự, song bà cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát 4 câu hỏi, trong đó có câu hỏi Bộ NNPTNT đã có giải pháp vĩ mô như thế nào để gia tăng giá trị ngành nông sản và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là lúa gạo? Về điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, chúng ta không thể theo cách vẫn làm từ 30 năm qua, mà phải điều chỉnh từ trong nhận thức. Nghĩa là khi tham gia nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, cạnh tranh quốc tế, mọi người tham gia quá trình này phải hiểu là làm ra sản phẩm để bán, làm ra những thứ thị trường thiếu. Theo đó, cần tập trung vào những cây - con lợi thế, Việt Nam không thể trồng táo Tây hay lúa mì, nhưng có tôm, cá tra… Để thực hiện được chủ trương này thì phải điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân áp dụng KHCN nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu để dù sản lượng ít nhưng giá trị vẫn cao”.
Riêng với lúa gạo, Bộ trưởng Phát cho biết hiện nay Việt Nam đã có 102 giống lúa nhưng chất lượng gạo xuất khẩu vẫn không được nâng lên, do bản thân các giống đó không có đột phá, đáng chú ý là trong quá trình tổ chức thu mua, thương lái trộn lẫn các loại lúa với nhau nên dẫn tới chất lượng thấp, giá bán không cao, khó cạnh tranh. “Trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung nghiên cứu các loại giống, ít thôi, có thể chỉ 5-7 loại giống, nhưng chất lượng và giá trị thương mại phải cao. Không thể có thương hiệu khi trong một bao gạo mà có tới 5-10 loại giống. Hy vọng trong 5 năm tới, việc này sẽ có sự chuyển biến rõ hơn” - Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Phát cũng cho biết thêm: “Trong 5 năm qua (2008 - 2013), tổng kinh phí đầu tư cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bộ là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó cho nhiệm vụ nghiên cứu là hơn 2.673 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua cũng chỉ có hơn 1.000 giống cây trồng, vật nuôi và các loại tiến bộ kỹ thuật được công nhận, đưa vào sản xuất. Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học nông nghiệp nói chung và nghiên cứu giống nói riêng vẫn ở tình trạng không có hiệu quả. Đề tài đăng ký thì nhiều, nhưng đề tài có tính ứng dụng thực tiễn rất ít”.