Không đẹp rực rỡ, đài các như những rừng hoa Anh Đào, rừng lá đỏ… ở Xứ sở Mặt trời mọc (Nhật Bản) và cũng không bề thế, thẳng tắp như những rừng cao su ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… nhưng con đường nhãn cổ kéo dài khoảng 3km trên tuyến quốc lộ 21B từ thị trấn Quế đến xã Đại Cương (Kim Bảng, Hà Nam) có một vẻ đẹp cổ kính, thanh bình đã làm nao lòng biết bao người qua đường.
Dọc đoạn đường này có đến hàng nghìn cây nhãn cổ, với những gốc cây xù xì, già nua, nhưng vẫn nở hoa vàng mơ mỗi khi mùa Xuân về.
Hoa nhãn.
Được biết, rừng nhãn này đã có từ cách đây cả trăm năm, nó không chỉ đem lại cho người dân một nguồn thu từ bán quả, mật hoa từ việc nuôi ong, mà còn là nơi chứng kiến, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Cụ Nguyễn Văn Thanh cho biết, nhất là những buổi trưa hè, rừng nhãn chính là nơi che bóng mát để người dân nghỉ ngơi, giải lao khi đi làm đồng. Vào mùa cưới, rừng nhãn trở thành điểm đến của những đôi uyên ương để mong được ghi lại những bức ảnh cưới, kỷ niệm của đời mình…
Dưới đây là những hình ảnh đẹp như trong “cổ tích” do PV Dân Việt ghi lại.
Bức tranh thanh bình, đẹp đến nao lòng của đường "nhãn" cổ.
Đường "nhãn" được ví như một chiếc camera quay lại tất cả những sinh hoạt trong đời sống thường ngày của người dân nơi đây.
Buổi sáng, con đường "nhãn" cổ trở nên trong lành, thanh bình đến lạ thường
Mỗi gốc nhãn cổ thụ có một hình dáng khác nhau, sự tạo hình của thiên nhiên vô tình đã vẽ nên một vẻ đẹp lạ kỳ, mà khó có nhà điêu khắc, tạo hình nào có thể khắc, tạc được
Hoa nhãn màu vàng phai, màu hoa không nổi bật nhưng lại rất được các loài ong, bướm để ý.