Ngày 13.2, Quốc hội Bỉ đã phê chuẩn luật cho phép trẻ em bị mắc bệnh nặng không thể chữa khỏi sẽ được chọn "cái chết êm ái" nhằm chấm dứt đau đớn. Với việc thông qua luật trên, Bỉ là nước thứ hai trên thế giới, sau Hà Lan, áp dụng luật này. Tại Hà Lan, lứa tuổi tối thiểu được chọn “cái chết êm ái” là 12, trong khi luật của Bỉ không quy định tuổi tối thiểu của bệnh nhân chọn hình thức này.
Dự luật được thông qua với 86 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 12 phiếu trắng.
Theo luật mới của Bỉ, chính phủ sẽ đồng ý thực hiện “cái chết êm ái” đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, không thể cứu chữa, luôn trong tình trạng đau đớn và xin được chết. Trẻ em được áp dụng luật này khi đáp ứng các điều kiện chặt chẽ sau- bệnh nhân phải ở trong một tình trạng không lối thoát, cái chết sẽ đến rất gần và bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn về thể xác mà y học không thể can thiệp được.
Việc trợ tử sẽ được xem xét đối với từng trường hợp bởi một êkíp bác sĩ, đồng thời phải được bác sĩ tâm lý, bác sĩ nhi khoa độc lập đánh giá và cho phép. Trong trường hợp nếu bản thân đứa trẻ nhận thức được tình trạng bệnh của mình và yêu cầu được áp dụng việc trợ tử thì điều này phải được bố mẹ đồng ý.
Hiện luật trợ tử cho trẻ bị các nhà thờ Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái phản đối kịch liệt. Hồi đầu tháng, đại diện các tôn giáo trên đã tổ chức biểu tình phản đối tại Brussels với khoảng 300 người tham dự.
Những người phản đối đạo luật này cho rằng trẻ em không đủ sự chín chắn về tâm lý để đưa ra một quyết định khó khăn như vậy. Trước đó, 160 bác sĩ Bỉ đã ký vào một lá thư ngỏ phản đối luật này với lý do không cần thiết và y học hiện đại đã phát triển nhiều loại thuốc giảm đau hữu hiệu cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.