Không những thế, tiền điện, nước cũng tăng đáng kể. Cụ thể, tiền điện tăng thêm từ 2.500- 3.000 đồng/số/tháng, còn tiền nước sinh hoạt được tính 60.000 đồng/người/tháng.
Chị Trần Thị Trang, trọ ở số nhà 19, ngách 72, Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: “Lương 2 vợ chồng tôi vỏn vẹn 7 triệu đồng/tháng. Trước còn đủ chi tiêu cho 2 vợ chồng, 1 đứa con. Giờ giá nhà trọ tăng thêm 500.000 đồng, điện, nước và chi phí thức ăn tăng khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tính ra đi làm cật lực mà vẫn phải vay mượn thêm để sống”.
Giá nhà trọ tăng, nhiều sinh viên phải tìm nơi khác rẻ hơn. |
Chung cảnh ngộ với chị Trang, những công nhân ở khu Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cũng đang gặp khó khăn khi bị chủ nhà thông báo tăng giá nhà trọ, tiền điện, tiền nước cũng tăng. Anh Ngô Trung Hiếu (Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường) trọ ở số nhà 31, ngõ 101 Thanh Nhàn bức xúc: “Thời điểm này, tiền nhà, tiền điện, cả tiền nước đều tăng, không biết mình có trụ nổi không?”.
Theo ghi nhận của NTNN, khó khăn nhất vẫn là sinh viên phải ở trọ. Bùi Thị Vân Hà, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Em đã cố ở xa trung tâm để giảm chi phí, nhưng giờ tiền nhà tăng 400.000 - 500.000 đồng/phòng/tháng, chưa kể tiền điện, nước cũng tăng theo nên không kham nổi”.
“Không ít sinh viên không chịu được giá nhà tăng đã chấp nhận chuyển đến ở những khu trọ tồi tàn” - Dương Văn Thuỷ, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ.
Điều mà nhiều lao động ngoại tỉnh bức xúc là giá cả tăng ít, các chủ nhà trọ hùa nhau tăng nhiều. Theo Ngô Trung Hiếu: “Giá mọi thứ chỉ tăng 5-10% nhưng giá nhà trọ tăng tới 30%. Như căn nhà em thuê trước Tết là 2 triệu đồng, sau Tết là 2,6 triệu đồng, tăng 30%. Đây là mức tăng quá đáng”.
Vì vậy, Hiếu và nhiều lao động bày tỏ quan điểm, cần phải có chế tài, có quy định về giá nhà trọ: “Hiện các chủ kinh doanh nhà trọ đều phải đăng ký. Như vậy cũng phải đặt vấn đề quản lý giá, chứ không thì chỉ chết lao động, dân nghèo”.
Ngô Xuân- Hồng Phúc