Phần xương này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tế bào và Sinh học phân tử tại Hyderabad, Ấn Độ tìm ra từ năm 2004 tại nhà thờ ở Goa, Ấn Độ.
Dung nhan nữ hoàng Ketevan.
Qua phân tích thi thể ADN mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện xương này thuộc về một người phụ nữ với một dòng di truyền được gọi là U1B. Qua đối chiếu với 22 nghìn người ở Ấn Độ thì không thấy ai trùng với dòng di truyền này. Nhưng U1B lại giống với 30 người được chọn so sánh đến từ Gruzia. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu nghĩ di cốt thuộc về nữ hoàng Ketevan.
Được biết, sau khi chồng Ketevan bị giết chết, nước Kakheti (thuộc Gruzia ngày nay) bị vua Ba Tư (thuộc Iran ngày nay) lúc đó là Shah Abbas I bao vây, rồi chinh phục vương quốc này và bắt nữ hoàng Ketevan làm tù nhân. Sau đó giam nữ hoàng Ketevan tại Shiraz, Iran suốt gần 10 năm.
Đến năm 1624, vua Ba Tư Shah Abbas vì mê nhan sắc đã muốn bà cải giáo sang Islam và làm vương phi. Nhưng lời đề nghị này đã bị nữ hoàng từ chối. Rút cuộc bà bị nhà vua Ba Tư tra tấn đến chết vào ngày 22.9.1624. Một tài liệu từ tiếng Bồ Đào Nha cổ ghi lại rằng, hài cốt của bà đã được đánh cắp khỏi Iran vào năm 1627 và đưa tới Goa, Ấn Độ.
Từ kết quả phân tích ADN kết hợp với những cứ liệu lịch sử như vậy, nhóm nghiên cứu phỏng đoán đây có thể là di cốt của nữ hoàng Ketevan thuộc Kakheti, một vương quốc thuộc Gruzia vào thế kỷ XVI. Nhưng các cứ liệu này vẫn chưa thực sự đủ mạnh để thuyết phục.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu để củng cố thêm những bằng chứng.