Từ bao đời nay, mùa gieo vào bãi đất quê mầm sống từ những loại ngũ cốc khác nhau vẫn được người dân quê tôi gìn giữ.
Sau hội làng tháng Giêng, mẹ chuẩn bị nào là hạt giống, nào là quang gánh, và cả cây chày húng được vót nhọn một đầu để cả nhà ra nương gieo hạt giống. Mùa trước, hạt giống khi hái về, mẹ phơi khô, chọn những hạt đẹp, tròn và to để làm giống vào vụ sau.
Hạt giống được mẹ đựng cẩn thận vào quả bầu khô, cái chum sành nhỏ hay vào cái lõi phích bị hỏng rồi lấy giẻ bịt kín miệng cho hạt khỏi bị hả hơi. Có khi mẹ còn để hạt giống lên gác bếp cho mò hóng bám đen lại để giữ cho hạt luôn được khô.
Cây chày húng là vật không thể thiếu trong mùa gieo hạt ở quê tôi. Đó là cây gỗ nhỏ bằng cổ tay, thẳng tưng và được bố tôi ngâm xuống ao sau đó mới vớt lên, vót nhọn một đầu dùng để ngoáy xuống đất tạo lỗ nhỏ để bỏ hạt giống vào.
Chim én (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Ngày gieo hạt, không ai hẹn ai, nhưng những người nông dân quê tôi ai ai cũng thầm nhủ rằng hạt gieo xuống đất phải vào lúc tiết trời ấm áp, sau tiết Xuân. Và một điều kiện không thể thiếu là cả làng phải đồng loạt đi gieo thì khi trổ hoa, quả mới đậu nhiều và trắc hạt.
Ngày bé, chúng tôi cứ hồn nhiên nghĩ, sau tết, cả làng đi gieo hạt là cho vui, cho có phong trào. Ấy vậy mà khi lớn lên, dần dần chúng tôi mới hiểu đó là kinh nghiệm.
Hạt giống quê tôi có nhiều loại và được đồng loạt gieo vào lúc tiết trời sang Xuân. Có hạt đỗ xanh mà người dân quê tôi hay gọi là đỗ con, hạt nhỏ, xanh bóng mỡ màng, có hạt đỗ đen dùng để nấu chè, nấu cháo vào mùa hè, hạt lạc, hạt vừng… Chỉ bấy nhiêu loại ngũ cốc thôi mà dư vị đồng quê nơi chúng tôi sinh ra mùa nào cũng đậm đà và mát lành.
Cây đỗ, cây đậu và củ lạc dân dã mùa Xuân nào cũng hiện diện trong mùa gieo hạt của người dân quê. Mẹ tôi bảo, hạt đỗ, củ lạc để làm nguyên liệu cho các thứ bánh trái trong mỗi gia đình, đất quê mình nhiều và màu mỡ nên từ bao đời nay, người dân quê mình tự tay gieo trồng để làm nên những loại hạt dùng cho cả năm.
Ngày làng tôi gieo hạt, màu áo nâu chàm lấp loáng trên những cánh đồng nước cạn và cả trên những vạt nương đồi thấp. Một không khí lao động hăng say và vui vẻ. Người dân quê tôi ai ai cũng với nét mặt rạng rỡ và tràn đầy hi vọng vào một mùa mới bội thu. Còn lũ trẻ chúng tôi, đứa nào cũng hớn hở chạy khắp bãi để bắt dế và đào những củ khoai lang còn sót lại mùa trước nay đã lên mầm.
Lắm lúc bị mẹ mắng vì chạy cả vào những luống đã gieo hạt. Đôi khi, chúng tôi cũng giúp ích rất nhiều cho công việc gieo hạt. Thú nhất là được đi bỏ tro vào hố đã gieo hạt vì đây là công việc chẳng mấy khó khăn. Còn nếu được giao cho bỏ hạt thì đứa nào cũng nhăn mặt bởi vì sợ bỏ quá tay lại cho tới hàng chục hạt một hố thì lãng phí quá. Đôi khi chúng tôi cũng đòi làm người lớn bằng cách tranh phần cầm cây chày húng để ngoáy hố.
Mùa gieo hạt, chẳng cần chăng dây hay kẻ hàng, với kinh nghiệm đã qua bao mùa, người dân làng tôi gieo hạt thẳng tưng như kẻ chỉ. Cả khoảng cách giữa các hố và các hàng cũng đều nhau tăm tắp. Mẹ tôi bảo, gieo hạt phải thẳng như thế thì khi mọc, cây mới đều và không quá dày.
Chẳng mấy chốc, chưa đầy một buổi sáng, khắp các nương đồi và đồng bãi quê tôi, hạt giống đã được gieo vào những thớ đất nạc. Để cho chim chóc và gà không đến bới đất ăn hạt. Người dân quê tôi dùng giấy trắng buộc lên những cây nhỏ như những lá cờ nhỏ để làm cho chim sợ không dám đến. Mẹ còn lấy những chiếc nón mê và áo vải đã cũ rách để dựng lên những chú "ma nơ canh", có cả tay, chân và đầu nom như người thật để canh giữ cho hạt giống nảy mầm.
Trong tiết trời mùa Xuân, vạn vật như đang hồi sinh, vị đất mới như đang lan tỏa khắp cánh đồng quê, chúng tôi như lắng nghe được cái cựa mình khe khẽ của hạt giống đang bén rễ vào đồng đất. Rồi chúng tôi còn mường tượng chẳng mấy chốc, màu xanh của sự sống từ mùa gieo hạt sẽ làm ấm lòng cuộc sống quê tôi !