Từ Quảng Bình vào Quảng Nam, từ Phú Yên vào tận Khánh Hòa, từ chỗ chỉ là trò chơi đánh bài tới 6 người thông thường rồi đến đánh bài trùng 4 người…
Riêng ở Quảng Nam, bài chòi rất được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân cần cù xứ Quảng, được tổ chức không chỉ gói gọn trong những ngày đầu Xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng trong các dịp lễ hội truyền thống lớn nhỏ.
Thú chơi bài chòi ở vùng quê Quảng Nam vào dịp Tết đến, Xuân về và thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình...
Những ngày giáp Tết (khoảng 25, 26 tháng Chạp), mọi người đã bắt đầu tất bật với công việc đón tre, bện tranh làm chòi. Người ta dựng chín chòi bằng tre (gồm tám chòi cho người chơi và một chòi cho anh Hiệu (chòi Tổng) ở những nơi đã định với sự giúp đỡ rất vô tư của nhân dân. Mái chòi tre được trang trí rất đẹp, trên nóc cắm cờ hội. Trong mỗi chòi đều có ghế tre để ngồi và được treo một chiếc đèn lồng được làm rất cầu kỳ. Công việc dựng chòi bắt buộc phải hoàn tất trước đêm giao thừa để tối hôm đó chơi vài ván bài chòi lấy lệ.
Mồng 1 Tết, từ tờ mờ sáng người ta bắt đầu tổ chức khai hội bài chòi. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú. Trong khi đó tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân từ làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức dắt díu nhau đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.
"Ham mê cái thứ bài chòi/ Bỏ con hắn khóc cho lòi rún (rốn) ra/ Bài chòi cứ đánh mà chơi/ Dẫu mà để ruộng có tôi trông chừng/ Tiết xuân thôn xóm tưng bừng/ Kẻ chào thưa thím, người chào thưa anh/ Mấy chú chạy hiệu thiệt lanh (nhanh)/ Miệng hô, rút thẻ, loanh quanh chín chòi".
Khi người chơi lần lượt đến các chòi, tìm cho mình một chỗ ngồi thật
thoả mái, những người còn lại thì đứng ngồi bao quanh 9 cái chòi để xem
anh Hiệu vừa diễn trò vừa hát. Những người giúp việc cải trang thành
những anh lính lệ đi chân đất và đội nón lá màu đỏ chạy đi chạy lại bán
các thẻ bài và “cờ ngân” cho người chơi.
Vật chơi là bộ bài có
32 thẻ bài, chia đều cho 10 người, mỗi người 3 quân, 2 quân để lại.
Người cầm chịch cuộc chơi (gọi là anh Hiệu hay Cái) cũng có một bộ thẻ
bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc cao (cây nọc cao vừa
đủ để anh Hiệu không nhìn thấy các quân bài nhưng vừa đủ để rút được
nó).
Bài chòi ở Hội An luôn thu hút cả khách du lịch nước ngoài
Cuộc chơi bắt đầu khi anh Hiệu (mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề) cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng rặt phương ngữ tiếng Quảng Nam không lẫn vào đâu được.
"Gió Xuân phảng phất nhành tre; Xin mời cô bác lắng nghe bài chòi.
Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe; Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây..."
Sau câu hò mở đầu, anh Hiệu bắt đầu đưa tay rút một quân bài trong ống tre và hát vài câu ca dao hoặc bài vè có liên quan đến quân bài đó, sau đó xướng tên quân bài rõ to cho tất cả mọi người đều nghe. Những người dự hội im lặng lắng nghe lời hô của anh Hiệu để suy đoán hoặc tưởng tượng quân bài gì sẽ ra. Tất cả mọi người đều hào hứng lắng nghe, đặc biệt là những người chơi, hy vọng mình sẽ “tới”, họ thả hồn theo những câu hát của anh Hiệu để cầu mong sự may mắn đến với mình.
Trong số 10 người chơi ai có quân bài trùng với tên quân bài anh Hiệu vừa xướng thì hô to “có đây”, lập tức một anh lính lệ sẽ chạy lại và trao cho người đó một lá cờ nhỏ (loại cờ xéo) và đổi lấy quân bài. Ván chơi kết thúc khi một trong số 10 người chơi có đủ 3 lá cờ liên tục, gọi là Tới (thắng cuộc) và người thắng cuộc sẽ nhận được một món quà như một cái lồng đèn, cái phích nước, mứt, bánh kẹo, hạt dưa... Và cứ như thế ván khác lại tiếp tục chơi, hết người này đến người khác tham gia chơi tìm sự may mắn đầu năm. Mỗi lần có người tới, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn lại nổi lên rất vui và phấn khích.
Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh Hiệu. Anh Hiệu phải là người có tài “ứng khẩu thành thơ”. Sự ứng khẩu linh hoạt của anh Hiệu có tác dụng thu hút và tập trung sự chú ý của mọi người tham dự hội. Anh Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng.
Anh Hiệu liên tục hô những bài lục bát, những bài ca dao, dân ca, những bài vè trên nền nhạc dân gian. Trong câu hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp được những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, về những sinh hoạt hằng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế..., hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời:
"
Làm thân con gái lẳng lơ/Ngủ trưa đứng buổi dậy đo mặt trời/Quần áo thì rách tả tơi/Lấy rơm mà túm mỗi nơi một đùm" - Đó là con bài Ngủ trưa.
"
Cu tôi ăn đậu ăn mè/ Ăn chi của chị mà chị đè con cu tui" - Đó là con bài Chín cu.
Hay: "
Rượu say mất hết tính người/ Cờ bạc, hút hít, vương rồi khó gỡ ra/ Sạch túi rồi đến sạch nhà/Bí đường, tắt lối phải ra làm liều" - Đó là con bài Nhì bí.
Hoặc: "
Thật lòng mà nói với nhau/ Đừng có nói móc mà đau nhân tình/ Hay gì méo mó quẩn quanh/ Nói móc là sanh sự, là sanh rầy rà" - Đó là con bài Tứ móc.
Có những câu hát của anh Hiệu làm cho cả hội bài chòi cười nghiêng cười ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa, tuy lời tục nhưng thanh, rất gần gũi, dân dã và đời thường:
"
Tối qua tôi đi ra gò/ Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe" - Đó là con bài Tứ cẳng...
Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và xem; đông nhất là những người già, phụ nữ và trẻ em. Họ đắm mình trong những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã. Và đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về, đây còn là nơi nam thanh, nữ tú đến gặp gỡ, tìm hiểu, trao duyên.
Với những lời hô của các làn điệu dân ca đầy mộc mạc nhưng sâu lắng tình người cho những ai mỗi khi đến Quảng Nam để một lần được ngồi trên chòi, được nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ từ những câu ca bài chòi đậm hương quê…