Trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự tin tưởng
rằng, hội nghị lần này sẽ đề ra phương hướng và các biện pháp mới, hiệu
quả nhằm tăng cường hơn nữa an ninh hạt nhân và giảm thiểu nguy cơ khủng
bố hạt nhân ở từng quốc gia và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama trước phiên khai mạc hội nghị. TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhận thức trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân là của từng quốc gia, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan có liên quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đánh giá cao vai trò trung tâm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế. Thủ tướng nêu rõ: “Chúng tôi đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của IAEA, cũng như đã sử dụng hiệu quả các trợ giúp của IAEA về an ninh hạt nhân. Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.
Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; đồng thời tăng cường hợp tác với IAEA và nhiều quốc gia khác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình điện hạt nhân quốc gia một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn, an ninh… Chúng tôi đã tham gia một số sáng kiến được đưa ra tại hội nghị này và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2016 tại Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung nhân loại đang hướng tới. Cùng với việc khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp tự nguyện phù hợp với khả năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước cần có những chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này và tiếp tục tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA, Liên Hợp Quốc.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hà Lan, ngày 25.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc trao đổi, tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề chung của Liên Hợp Quốc. Trong trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Pháp Hollande cùng nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp, triển khai các biện pháp cụ thể để Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thành công tốt đẹp.
|