Đã từ sáu tháng nay, gia đình chị Phạm Tuyết Hạnh, nhà ở tổ 26 phố Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội luôn mua rau sạch để ăn cho dù có bận bịu thế nào. Cách nhà chị khoảng gần 2km có cửa hàng rau sach tại phố Hoa Bằng có bán rau rõ ràng nguồn gốc. “Hơi bất tiện chút vì tôi phải đi xa hơn nhưng vì bảo vệ sức khoẻ gia đình, tôi vẫn mua rau sạch về ăn”, chị Hạnh nói.
Canh tác rau an toàn.
Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh tại phường Ô Chợ Dừa đã cùng với bảy người trong tổ đi thăm mô hình trồng rau an toàn tại hợp tác xã rau an toàn Hoà Bình (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) và trang trại Lại Dụ (xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Sau khi đi thăm mô hình này về, bà Nhung đã vận động được gần 20 gia đình mua rau an toàn để thành lập tổ tiêu dùng rau an toàn. Tổ này cử ra tổ trưởng là bà Nhung, hàng tuần gửi các báo giá rau an toàn đến từng gia đình trong tổ và sau đó ghi nhận các gia đình đặt rau hàng ngày và chuyển đến sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội. Hàng ngày, sàn này sẽ ghi nhận các đơn hàng và chuyển rau đến từng gia đình trong tổ hoặc chuyển đến nhà tổ trưởng, miễn phí.
Hiện nay, ở Hà Nội đang có 78 tổ tiêu dùng rau sạch như vậy. Các tổ tiêu dùng thành lập thông qua tổ dân phố, câu lạc bộ dưỡng sinh, hội phụ nữ, người phụ trách công đoàn ở các công ty… Ngoài ra còn khoảng hơn 150 cửa hàng, siêu thị, điểm phân phối bán rau sạch tại các điểm. Ông Nguyễn Thành Lưu, giám đốc sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho biết, sàn này có hai chức năng chính là bán rau quả và thực phẩm an toàn trực tiếp thông qua hệ thống cửa hàng, các tổ tiêu dùng và kết nối miễn phí các doanh nghiệp phân phối với các hợp tác xã, nơi sản xuất.
Ông Lưu cho biết, sản lượng rau an toàn giao dịch trực tiếp qua sàn khoảng 3,5 – 4 tấn/ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối thông qua sàn kết nối với các hợp tác xã sản xuất cũng tiêu thụ một lượng lớn rau sạch. Tất cả các hợp tác xã sản xuất rau sạch giao dịch ở sàn đều do chi cục Bảo vệ thực vật của Hà Nội và các tỉnh có công văn giới thiệu và bảo lãnh về việc truy xuất nguồn gốc. “Dù sao sản lượng đó cũng còn quá ít so với nhu cầu của người Hà Nội”, ông Lưu nói.
Theo ông Lưu, để mở rộng hệ thống phân phối rau an toàn phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Hà Nội, rất cần thiết thành lập các điểm bán rau an toàn tại các chợ dân sinh.