Israel, nằm ở cửa ngõ nối liền hai châu Á, Âu, rộng khoảng 27.000km2. Gần 60% diện tích nước này bị sa mạc Negev bao phủ và thời tiết khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Vậy mà nông nghiệp ở đó vẫn cung cấp 95% nhu cầu lương thực thực phẩm nội địa và là nguồn cung nông sản hàng đầu cho châu Âu. Doanh nghiệp Việt có thể rút ra những bài học gì từ các trang trại Israel?
Cạnh tranh bằng sáng tạo Israel có chỉ số vốn đầu tư khởi nghiệp trên đầu người cao gấp đôi thung lũng Silicon và sở hữu bản quyền công nghệ, các dự án khởi nghiệp nhiều hơn cả Liên minh châu Âu.
Quầy bán ớt của nông dân tại một chợ truyền thống. Ảnh: PV
Israel đầu tư rất nghiêm túc cho sáng tạo, đặc biệt là trong nông nghiệp, với mô hình viện nghiên cứu ứng dụng khoa học trong nông nghiệp Volcani. Thành lập năm 1921, hiện có 184 nhóm nghiên cứu tại sáu trung tâm, viện Volcani là nơi khởi nguồn của hầu hết các dự án nông nghiệp. Mọi khâu trong sản xuất nông nghiệp tại Israel đều được chú trọng áp dụng kỹ thuật mới. Khâu nhân giống đã có “ngân hàng gen” của viện Volcani – nơi lưu trữ toàn bộ giống cây trồng ở Israel, từ các giống gốc cho đến sản phẩm biến đổi gen. Đây là nơi cho ra đời các giống cam lai quýt có giá trị dinh dưỡng cao nhất thế giới và là món ăn ưa thích của các nước châu Âu. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Israel khuyến khích các dự án khởi nghiệp đưa ra các bước đột phá nhằm tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên. Dưới đây là năm dự án khởi nghiệp có thể góp phần thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu:
1. Grow Fish Anywhere (GFA): Nuôi cá ở bất kỳ nơi nào: việc nuôi cá quy mô lớn có tác động rất lớn đến môi trường: chất thải từ việc nuôi cá thường có hàm lượng nitrate cao, phải thường xuyên xả bể thay nước. Phương pháp này gây tốn kém và bị cấm ở nhiều quốc gia do gây ô nhiễm. GFA đã giới thiệu một hệ thống khép kín giúp phân giải nitrate ngay trong bể và luân chuyển nước. Hệ thống này có thể được xây dựng ở bất kỳ đâu và việc luân chuyển nước giúp bể sạch vĩnh viễn và chỉ tốn từ 10 – 14 lít nước để tạo ra 1kg thịt cá so với thịt bò là 1.800 lít!
2. Sol-Chip: Israel là một trong những nước áp dụng các kỹ thuật cảm biến trong nông nghiệp đầu tiên trên diện rộng: các chủ trang trại dùng máy ảnh nhiệt để đo mật độ nước trên ruộng, xác định khu vực nào cần tưới, tưới bao nhiêu nhằm hạn chế tối đa lãng phí nước. Sol-Chip cũng đã phát triển dòng chip cảm biến dùng năng lượng mặt trời có thể gắn lên gia súc gia cầm để theo dõi tình trạng sức khoẻ của chúng với pin tự sạc bằng ánh nắng mặt trời. Trước đây, nông trang nuôi bò phải thay bộ theo dõi sáu tháng một lần: Sol-Chip sẽ giúp các chủ trang trại tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Trang trại nuôi cá trong sa mạc của Israel.
3. Kaiima Bio-Tech: Nhà sản xuất các giống siêu ngũ cốc. Hiện nay, sản lượng các giống ngũ cốc thử nghiệm tại Kaiima đã tăng từ 15 – 50%, theo Doron Gal, CEO của Kaiima. Với tình hình nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc của thế giới tăng hơn 90% trong 30 năm qua, và sẽ tăng 1,5% mỗi năm trong tương lai, thành công của Kaiima sẽ giúp giải quyết vấn đề lương thực và tiết kiệm diện tích đất nông nghiệp, vật tư, để nuôi trồng các giống khác. Con số 65 triệu USD tiền đầu tư từ các cá nhân và tổ chức nổi tiếng thế giới, trong đó có tỉ phú Li Ka Shing, đã chứng tỏ tầm quan trọng của Kaiima trong con mắt giới đầu tư.
4. Tipa Corporation: Đóng gói trái cây bằng phương pháp hữu cơ. Tận dụng điều kiện khí hậu, Israel chiếm ưu thế trong thị trường trái cây mùa đông ở châu Âu và Nhật. Lượng trái cây xuất khẩu tăng cao, bao bì nilông cần dùng cũng tăng theo, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì thế TIPA đã tạo ra sản phẩm polymer hữu cơ có thể phân huỷ hoàn toàn trong sáu tháng, có độ giãn cao hơn, và giữ độ ẩm tốt hơn nilông thường nhằm làm trái cây tươi ngon hơn. Ngoài ra, TIPA cũng sử dụng các phương pháp hữu cơ khác như dùng tinh dầu bạc hà hay cách sử dụng nhiệt độ giảm dần giúp trái cây “làm quen”môi trường như khi đóng gói trái bơ xuất qua Nhật, môi trường nhiệt độ giảm dần, từ 20, 15, 10, cho đến 1 độ C nhằm khử côn trùng.
5. Morflora: Dùng virút thực vật cải thiện chất lượng hạt giống cây trồng. Ba nhà khoa học trẻ ở Tel Aviv (sinh học, hoá học, nông nghiệp) cùng hợp tác xây dựng một công ty cung cấp hạt giống đặc sắc theo yêu cầu từng đơn đặt hàng của nông dân. Morflora thử nghiệm thay đổi giống cây từ rau xanh đến các loại củ, cây ăn quả… bằng công nghệ sinh học: tìm cách sử dụng virút thực vật mang gen vào bên trong hạt giống, mang lại cho hạt giống những tính năng mới mà người nông dân mong đợi như giống cây mạnh, kháng sâu bệnh, cần phân bón ít hơn, năng suất tốt hơn… mà không thay đổi bộ gen cơ bản và chỉ ảnh hưởng một đời hạt giống. Đơn đặt hàng của các hợp tác xã và cả các hộ nông dân cá thể từ Mỹ, Israel và nhiều nước dành cho Morflora hiện làm không xuể.
Hiện nay, Việt Nam đã có vài dự án nhiều tiềm năng như việc sản xuất “kẻ thù tự nhiên” của CT Trodicorp (nuôi những con sâu chống lại sâu bệnh, chính những con sâu này ăn các loại sâu bệnh, thay thế thuốc trừ sâu trong canh tác) hay dự án phân phối rau củ tươi từ Đà Lạt vào Sài Gòn của vuonrau.com. Làm nông nghiệp hiện nay phải thật chuyên nghiệp và đòi hỏi khoa học kỹ thuật với nhiều sáng tạo. Việt Nam cần phải xác định mình nên bắt đầu từ đâu.